Cách ly xã hội, ô nhiễm không khí toàn thế giới giảm mạnh
Chính sách giãn cách xã hội nhằm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 được thực hiện tại hầu hết các quốc gia đã hạn chế ô nhiễm, giúp chất lượng không khí cải thiện đáng kể
Một loạt thành phố thoát ô nhiễm
Theo dữ liệu vệ tinh mới được Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) công bố, trong thời gian 14 – 25.3, mức độ ô nhiễm không khí từ NO2 tại 3 thành phố châu Âu ở Pháp, Tây Ban Nha, Ý đã giảm khoảng 40%. Đây cũng chính là thời điểm các khu vực này bắt đầu tiến hành phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng để hạn chế sự lây lan của virus corona chủng mới gây đại dịch Covid-19.
Tại thủ đô Paris của Pháp, chỉ vài ngày sau lệnh giới nghiêm, chất lượng không khí của thành phố này đã đạt điểm tốt nhất từ đầu năm 2020 cho đến nay. Airparif (cơ quan theo dõi chất lượng không khí trong thành phố) cho thấy điểm số giảm từ 68, được coi là cao nhất ở mức trung bình, xuống còn 27 – một điểm rất thấp chỉ trong một ngày. Chỉ sau hai ngày giới nghiêm, Airparif nhận thấy không khí cải thiện 20% – 30%, với lượng khí thải NO giảm hơn 60%.
Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, mức ô nhiễm không khí ở nhiều quốc gia đã được cải thiện, đồng thời lỗ hổng tầng ozone ở Nam cực đang liền lại. Nguyên nhân là do lượng hóa chất độc hại thải ra từ xe cộ và các hoạt động công nghiệp giảm mạnh trên toàn cầu dưới tác động của lệnh phong tỏa chống Covid-19, trong đó có Trung Quốc.
Ngay tại Trung Quốc, bộ phận quan sát Trái đất của NASA mới đây công bố bản đồ khí tượng học cho thấy một sự cải thiện đáng kể về ô nhiễm không khí ở khu vực Vũ Hán. Sự bùng nổ của virus dịp đầu năm đã khiến chính quyền Trung Quốc đóng cửa toàn bộ các khu kinh tế, nhà máy và chặn mọi ngả đường vào thành phố Vũ Hán nhằm giảm thiểu lây lan dịch bệnh kể từ ngày 23.1. Kết quả là tấm ảnh về bản đồ khí thải NO2 của NASA ở khu vực này năm nay cho thấy sự ô nhiễm ở mức độ nhẹ, biểu thị bằng màu xanh dương chứ không còn màu vàng hay đỏ như trước ở trên bản đồ.
Bảng xếp hạng chất lượng không khí toàn cầu trên AirVisual cũng chỉ ra rằng: Chỉ vài ngày sau khi Chính phủ các quốc gia áp dụng chính sách cách ly xã hội, không còn quốc gia nào ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (chỉ số AQI) ở mức màu nâu hay màu tím – nguy hại cho sức khỏe con người. Chỉ còn 3 thành phố ghi nhận chỉ số AQI ở mức màu đỏ – chất lượng không khí kém là Bắc Kinh – Trung Quốc, Chiang Mai – Thái Lan (đồng chỉ số AQI = 169) và Dhaka – Bangladesh (AQI = 153) (số liệu ghi nhận ngày 31.3).
Thời điểm này tại Việt Nam, “lệnh” cách ly xã hội đã trải qua 2 tuần, tai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM cũng thoát cả ô nhiễm không khí. Chỉ số AQI ở TP.HCM thường xuyên ở mức màu vàng – mức vừa phải. Trên bản đồ chất lượng không khí toàn thành phố, màu vàng phủ khắp các điểm đo, xen kẽ nhiều khu vực hiển thị màu xanh – chất lượng không khí tốt.
Đáng chú ý, từ cái tên liên tục dẫn đầu danh sách những thành phố ô nhiễm nhất hành tinh, Thủ đô Hà Nội đã có “pha lội ngược dòng” ấn tượng khi ghi nhận chỉ số AQI trung bình ngày cuối tháng 3 là 47 – tốt cho sức khỏe con người. Trước đó khoảng 1 tháng, nồng độ bụi mịn PM2.5 đo được tại Hà Nội tăng vọt lên 104,3 µg/m3, vượt hơn 10 lần khuyến cáo 10,0 µg/m3 theo WHO và vượt gấp 5 lần mức quy chuẩn cho phép của Chính phủ Việt Nam. Thế nhưng tại thời điểm người dân hạn chế tối đa ra khỏi nhà, con số này đã giảm gần 10 lần, trở về mức 11,5 µg/m3, tiệm cận quy chuẩn cho phép của WHO.
Xe chạy, ô nhiễm lại rục rịch tăng
Khoảng 1 tuần qua, mặc dù chất lượng không khí trên toàn cầu vẫn đang giữ ở mức cải thiện mạnh, nhưng tại một số thành phố, việc người dân bắt đầu rậm rịch trở lại hoạt động bình thường sau những tín hiệu khả quan về kiểm soát dịch bệnh đã đẩy chỉ số ô nhiễm không khí nhích lên.
Danh sách những thành phố có chất lượng không khí ở mức xấu – màu đỏ – trên trang Air Visual từ 3 thành phố nay đã ghi nhận thêm sự góp mặt của 8 thành phố. Trong đó, có sự quay trở lại của 5 thành phố tại Trung Quốc, sau khi quốc gia này có những chính sách dần nới lỏng phong tỏa tại một số ổ dịch.
Đáng chú ý, sau hơn 1 tháng thoát khỏi top 10 quốc gia ô nhiễm nhất toàn cầu, Thủ đô Hà Nội của Việt Nam đã quay trở lại vị trí thứ 6 với chỉ số AQI đo được trưa 15.4 là 161, mức màu đỏ, có hại cho sức khỏe con người. Một số quận, huyện ngoại thành như huyện Yên Mỹ, Ân Thi… AQI lên tới 177. Nồng độ bụi mịn PM2.5 từ mức 11,5 µg/m3 những ngày cuối tháng 3 đã tăng lên 74 µg/m3, vượt hơn 7 lần khuyến cáo của WHO. Hà Nội đã vượt qua Thượng Hải (Trung Quốc) về mức độ ô nhiễm khi AQI của thành phố này chỉ đạt 159.
Tại TP.HCM vài ngày qua đã ghi nhận hiện tượng xe cộ rậm rịch lưu thông đông đúc trở lại, đặc biệt vào khung giờ tan tầm. ĐIều này cũng tỉ lệ thuận với mức ô nhiễm. Sáng 15.4, Air Visual hiển thị mức AQI trung bình tại thành phố mang tên Bác bằng 158, mức màu đỏ. Tới giữa trưa, khi mặt trời bắt đầu lên cao, thời tiết nắng nóng, ngoài đường vắng bóng xe cộ, AQI đã giảm xuống mức màu vàng, đạt 99. Nồng độ bụi mịn đo PM2.5 đo được là 35,2 µg/m3.
Theo kết quả khảo sát, đo đạc các nguồn phát thải do Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí thực hiện, ô nhiễm không khí tại TP.HCM đến từ 3 nguồn chính: nguồn giao thông chiếm khoảng 50%, nguồn diện (hoạt động từ các hộ gia đình, nhà hàng, quán ăn, nông nghiệp, công trình xây dựng…) chiếm khoảng 30%, còn lại là nguồn điểm (hoạt động công nghiệp, bệnh viện, khách sạn). Trong đó, nguồn giao thông, xe máy được coi là “thủ phạm” chính gây ô nhiễm môi trường không khí. Tỷ lệ này được nhận định có thể áp dụng tương ứng với Thủ đô Hà Nội và hầu hết các thành phố lớn trên thế giới.
Theo Báo Thanh Niên