‘Biển người’ Hà Nội đổ ra đường, chuyên gia cảnh báo ‘giãn cách lại từ đầu’

Nhiều chuyên gia lo ngại việc người dân Hà Nội đổ ra đường đông đúc trong đêm Trung thu sẽ làm đổ vỡ nỗ lực chống dịch của TP trong 2 tháng qua, để dịch bùng phát có thể phải giãn cách lại từ đầu.

Biển người đổ dồn về trung tâm TP Hà Nội trong đêm 21-9 – Ảnh: PHẠM TUẤN

Trước cảnh hàng loạt tuyến phố trung tâm Hà Nội chật kín phương tiện khi người dân đổ ra đường trong đêm Trung thu tối 21-9, nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo ngại nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, cũng như những nỗ lực của TP Hà Nội trong suốt 2 tháng chống dịch sẽ ‘đổ sông, đổ bể’.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trưa 22-9, PGS.TS Nguyễn Huy Nga – nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng – cho biết tình trạng trên rất đáng lo ngại, đáng lẽ người dân phải thực hiện tốt giãn cách, 5K trong tình trạng phòng chống dịch mới từ TP.

“Nguy cơ bùng phát dịch sau vụ việc người dân đổ ra đường trong đêm Trung thu rất lớn, bởi vì rất nhiều người chưa được tiêm vắc xin, đặc biệt là trẻ em. Như vậy, việc phát tán, lây lan dịch trong cộng đồng từ sự việc kia là rất lớn, có thể gây ra những chuỗi lây nhiễm mới”, ông Nga cảnh báo.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo, những người đã tham gia đi lại trong đêm 21-9 ở những nơi đông đúc phải tự theo dõi sức khỏe của mình. Nếu có hiện tượng bất thường, ho, sốt, khó thở cần phải tự cách ly, xét nghiệm ngay.

“Đồng thời, những trường hợp trên phải thông báo rõ ràng lịch trình, cũng như báo cho những người xung quanh biết để kịp thời phòng chống dịch bệnh”, ông Nga nói.

PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng – cho biết việc người dân đổ ra đường trong đêm Trung thu quá đông là sự việc, hình ảnh rất buồn, trái ngược hoàn toàn với chỉ đạo từ TP là cấm tụ tập đông người nơi công cộng.

Ông Phu cho hay, trước diễn biến tình hình dịch như hiện nay, rất khó để tìm được hết số F0 ở cộng đồng hay đưa số ca mắc mỗi ngày về con số 0 (zero COVID). 

Dịch cũng đi vào các chuỗi cung ứng, nhiều lái xe luồng xanh hay người bán hàng online, người bán cũng như người mua hàng ở chợ… cũng bị nhiễm. Vì vậy, Hà Nội vẫn luôn đặt trong trạng thái “nguy cơ rất cao”.

“Kể cả khi TP trở về được trạng thái bình thường mới rồi cũng không thể nói chúng ta hết nguy cơ. Trong biển người hôm qua chỉ cần có một trường hợp F0 thì rất khó truy vết, vì không ai biết ai lây cho ai, lây theo hình thức nào, rất nguy hiểm”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định.

Ông Phu nói: “Hà Nội nới lỏng từng bước dần đi đến trạng thái bình thường mới, còn bây giờ vẫn phải nghiêm túc thực hiện chỉ thị 15, tức là người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết và không tập trung đông người”.

Vị nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết vắc xin giúp hạn chế tối đa khả năng chuyển nặng khi nhiễm bệnh, còn khi người dân vừa được tiêm vắc xin thì cơ thể không thể có kháng thể chống virus ngay được. 

“Chủ quan vì đã xét nghiệm âm tính, không ít người dân còn chủ quan vì đã tiêm một mũi vắc xin nghĩ rằng không thể nhiễm bệnh, đó là sai lầm. Có thể phải trả giá bằng sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng. Để dịch bùng lên lại thì chúng ta lại phải giãn cách lại từ đầu”, ông nói.

Theo Tuổi Trẻ

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…