Báo động tình trạng hàng Trung Quốc đội lốt “Made in Vietnam” để vào Mỹ

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung ngày càng leo thang có tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam. Thời gian qua xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng mạnh; ngược lại hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ đã có sự sụt giảm đáng kể. Trong bối cảnh đó, đã xuất hiện tình trạng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt để tránh thuế xuất sang Mỹ…

Mới đây Tổng cục Hải quan Việt Nam đã phát hiện hành vi vận chuyển hàng lậu cùng hàng chục giấy chứng nhận giả về nguồn gốc sản phẩm từ nông nghiệp, dệt may đến thép và nhôm; qua đó gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng hàng hóa từ Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam, sau đó thay bao bì hoặc bỏ bao bì, ghi “Made in Vietnam” rồi xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ để xuất khẩu sang Mỹ. Phía Mỹ cũng đã từng phát hiện trường hợp ván ép Trung Quốc được chuyển đến Mỹ thông qua một công ty Việt Nam.

Hàng Trung Quốc đội lốt “Made in Vietnam” ngoài mục tiêu để tránh thuế sang Mỹ còn trà trộn vào thị trường Việt Nam để lừa người tiêu dùng trong nước. Để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ, bảo vệ người tiêu dùng nội địa, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã có công văn yêu cầu cục trưởng cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan tăng cường kiểm tra xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng trên nhãn lại thể hiện “Made in Vietnam”. Đồng thời xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát hàng hóa có nguy cơ chuyển tải bất hợp pháp, gian lận chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), nhãn mác hàng hóa; qua đó ngăn chặn kịp thời tình trạng hàng hóa Trung Quốc đội lốt hàng Việt, góp phần bảo vệ nền sản xuất trong nước.

Tình hình căng thẳng thương mại Mỹ – Trung kéo dài và ngày càng leo thang khiến nhà chức trách ở các quốc gia Đông Nam Á lo ngại sẽ làm tổn hại nền kinh tế nội địa và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tới Việt Nam đã nhấn mạnh: “Trong ngắn hạn, cuộc chiến thương mại này sẽ thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu nhưng dài hạn sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung một số mặt hàng xuất khẩu. Theo tính toán, GDP Việt Nam sẽ giảm 6.000 tỷ đồng (256 triệu USD) trong 5 năm tới do tác động từ chiến tranh thương mại”.

Tuy nhiên theo nghiên cứu từ ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura, Việt Nam là bên hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại kéo dài gần một năm giữa Mỹ và Trung Quốc, khi các nhà nhập khẩu tại hai nền kinh tế này tìm cách tránh phải trả thêm thuế. Theo nghiên cứu của Nomura, nền kinh tế Việt Nam đã được thúc đẩy thêm gần 8% nhờ sự dịch chuyển sản xuất, hệ quả từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Phần lớn lợi ích tăng thêm của Việt Nam đến từ các mặt hàng Trung Quốc nằm trong danh sách chịu thuế của Mỹ, chủ yếu là linh kiện điện tử, điện thoại, đồ nội thất và máy móc xử lý dữ liệu tự động bởi các công ty đa quốc gia sẽ nhanh chóng di dời nhà máy ra khỏi Trung Quốc,

Ông Zhou Pinxu, một nhà sản xuất có trụ sở tại Đông Quan cho biết các yêu cầu của chính phủ Việt Nam đối với các nhà máy Trung Quốc vào Việt Nam đã được thắt chặt hơn trước. Các loại thuế để vận chuyển máy móc, thiết bị và bán thành phẩm, cũng như phí để được cấp giấy chứng nhận xuất xứ ở Việt Nam đang cao hơn nhiều so với trước đây.

Ông Chua Hak Bin – Nhà kinh tế cấp cao của Công ty Maybank Kim Eng Research Pte (Singapore) thì cho rằng hiện tượng các công ty, đặc biệt là các công ty ở Trung Quốc sử dụng các “tiểu xảo” để lách thuế quan của Mỹ có khả năng sẽ bùng phát trong bối cảnh mức thuế suất cao và lợi nhuận tiềm năng lớn. “Chính phủ các nước ASEAN cần phải quyết liệt giải quyết các vấn đề này nếu không muốn bị coi là “cửa sau” của Trung Quốc” – ông Chua Hak Bin cảnh báo.

Còn theo nhà phân tích cấp cao Rahul Kapoor đến từ Bloomberg Intelligence (Singapore), những lô hàng bị thu giữ có khả năng chỉ là một phần tương đối nhỏ trong tổng số hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ. “Sẽ luôn có những rò rỉ và sai phạm để tránh thuế, nhưng không được coi đó là việc đương nhiên” – Ông Rahul Kapoor đánh giá.

Kim Phương

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…