Đừng để doanh nghiệp tự bơi

Chuyện ồn ào gạo ST25 chính chủ bị người khác đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương mại (trademark) độc quyền tại Mỹ chưa dứt thì lại xảy ra vụ việc tương tự tại Úc.

Và chưa dám chắc nó sẽ không xảy ra ở đâu nữa nếu “hoa hậu gạo thế giới năm 2019” này chưa được bảo vệ bằng “chiếc áo giáp pháp lý” hữu hiệu nhất.

Cách đây 2 năm, ngay sau khi giải thưởng gạo ngon nhất thế giới “World’s Best Rice” được công bố thì gạo ST25 trở nên hút hàng, không đủ bán; thị trường xuất hiện nhiều vụ giả mạo nhãn mác, đánh lừa người tiêu dùng. 

Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua – cha đẻ gạo ST25, người đã bỏ công hơn 20 năm nghiên cứu ra giống gạo ngon – cũng chỉ biết ngao ngán nhìn cảnh “đứa con tinh thần” của mình bị xâm hại.

Tình trạng này cũng thường xuyên xảy ra đối với các thương hiệu nổi tiếng khác. Nhãn hiệu hàng hóa càng có giá trị, được nhiều người biết đến thì thường phải đối mặt trước các kiểu làm ăn “đổi trắng thay đen”. Không chỉ các hành vi giả mạo thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa mà còn có nhiều người luôn rình rập, biết lợi dụng pháp luật để “đánh cắp nhãn hiệu công khai” thông qua việc “giành quyền đăng ký trước” các nhãn hiệu nổi tiếng nhưng chưa được bảo hộ độc quyền.

Trong bối cảnh đó, các thương hiệu Việt trở nên rất chông chênh. Các thương nhân, chủ sở hữu thương hiệu thường bị động, hạn chế về kiến thức pháp luật, thiếu kinh nghiệm thương trường trong các cuộc chiến thương hiệu không tiếng súng.

Làm ra giống gạo ngon hay một thương hiệu nổi tiếng được người tiêu dùng ưa thích là một việc, thương mại hóa nó với “chiếc áo giáp pháp lý an toàn” lại là một yêu cầu khác. Phần lớn các mặt hàng Việt sau khi rời biên giới quốc gia thì lệ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp ngoại và hệ thống phân phối của họ, chấp nhận bỏ ngỏ một phân khúc lớn trong chuỗi giá trị hàng hóa nổi tiếng của mình.

Diễn biến đáng mừng là kỹ sư Hồ Quang Cua đã chọn Tập đoàn PAN để ủy thác làm đại diện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25 cùng lúc ở nhiều thị trường lớn. “Cha đẻ” gạo ngon ST25 còn bày tỏ ý định nhượng quyền giống lúa cho Nhà nước để phát triển thương hiệu.

Việc ai có thể phát triển và bảo vệ thương hiệu tốt nhất còn phụ thuộc vào năng lực chủ thể, công cụ sử dụng và môi trường kinh doanh. Nhưng vấn đề trước mắt cũng như lâu dài là cần hình thành các tổ hợp đủ mạnh, không chỉ có năng lực cạnh tranh, lợi thế kinh tế mà cần những chuyên gia thương hiệu và pháp lý để bảo vệ và phát triển thương hiệu.

Trách nhiệm xây dựng và bảo vệ thương hiệu trước tiên thuộc về doanh nghiệp, nhưng cũng không thể để họ tự bơi trong điều kiện thiếu kiến thức pháp lý và năng lực tiếp cận thị trường nước ngoài hạn chế. Về phía các cơ quan nhà nước cần có trợ lực mạnh mẽ hơn, bao gồm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy thực thi hữu hiệu nhất để chống làm giả, ăn cắp thương hiệu.

Cuộc chiến thương hiệu trong bối cảnh hội nhập rộng mở và cạnh tranh quyết liệt vẫn đang là thách thức cho doanh nghiệp nội, hàng nội, không riêng gì gạo ST25. Nhà nước không thể làm thay hay hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, nhưng cũng không thể để doanh nghiệp tự xoay xở trong cuộc chiến gay go này.

Theo Tuổi Trẻ

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…