Thương hiệu quốc gia là chìa khóa giúp gia tăng giá trị doanh nghiệp
Việt Nam được coi là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về giá trị thương hiệu quốc gia đi cùng những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được, khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Tham gia vào Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị sản phẩm cũng như giá trị doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải – Phó Chủ tịch hội đồng Thương hiệu quốc gia đã nhấn mạnh tại lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2021 và Diễn đàn thương hiệu Việt Nam 2021, diễn ra ngày 19/4 tại TP. Hồ Chí Minh.
Khẳng định tầm vóc Việt Nam trong hội nhập
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, những năm gần đây, thứ hạng giá trị thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam liên tục được cải thiện trên Bảng xếp hạng thế giới và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Đây là kết quả từ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, mở rộng các quan hệ song phương và đa phương, hỗ trợ xuất nhập khẩu cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiện.
Theo báo cáo của Brand Finance, năm 2020 Việt Nam là một trong các quốc gia có mức tăng trưởng giá trị THQG nhanh nhất thế giới (tăng 29 % so với năm 2019, lên 319 tỷ USD). Nhờ đó giá trị THQG của Việt Nam đã tăng 9 bậc, lên vị trí thứ 33 trong top 100 THQG giá trị nhất thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng (theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu 2021).
Việt Nam được coi là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về giá trị THQG đi cùng những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được, khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
“Tham gia vào Chương trình THQG Việt Nam, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị sản phẩm cũng như giá trị doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã từng bước xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của mình. Số lượng doanh nghiệp được công nhận có sản phẩm đạt THQG tăng đều qua các giai đoạn. Từ chỗ chỉ có 30 doanh nghiệp năm 2008, đến năm 2020 Chương trình THQG Việt Nam đã có 124 doanh nghiệp với 283 sản phẩm được công nhận, trong đó đã có nhiều thương hiệu đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Liên quan đến Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2021 với chủ đề “Thương hiệu quốc gia Việt Nam – Vị thế mới, giá trị mới ”, Thứ trưởng cho biết: Đây là sự kiện được Bộ Công Thương tổ chức trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đi vào hiệu lực – là tiền đề thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế Việt Nam ngày càng sâu rộng. Bộ Công Thương rất mong các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chủ động nắm bắt cơ hội và tích cực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cải tiến chất lượng sản phẩm, quan tâm tới các vấn đề sở hữu trí tuệ, tận dụng đòn bẩy THQG để gây dựng thương hiệu.
Đòn bẩy để doanh nghiệp bứt phá
Là doanh nghiệp lần đầu đạt THQG, ông Nguyễn Đình Tùng – Chủ tịch HĐQT Vina T&T chia sẻ, THQG là cột mốc quan trọng vì mỗi doanh nghiệp muốn phát triển, khẳng định vị thế của doanh nghiệp cần phải đạt thương hiệu này. Đồng thời khi đạt danh hiệu THQG, doanh nghiệp còn được Bộ Công Thương, Chính phủ hỗ trợ trong quảng bá hình ảnh nhiều hơn.
“Việc tham gia THQG sẽ giúp chúng tôi làm thị trường tốt hơn, quảng bá thương hiệu tốt hơn ra thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay thì THQG là cơ sở để chúng tôi rút ngắn việc đàm phán với các đối tác trên thế giới”- ông Tùng cho biết.
Còn theo đại diện của Công ty CP nhôm Việt Dũng, việc đạt THQG giúp không chỉ giúp doanh nghiệp khẳng định được vị thế trên thị trường nội địa mà còn giúp doanh nghiệp tận dụng “sức mạnh mềm” của vị thế THQG khi xuất khẩu. Lý do, trước đây doanh nghiệp có xuất khẩu sang một số nước EU, Úc nhưng do dịch bệnh nên hạn chế, vì thế bằng danh hiệu này công ty sẽ kết nối lại để tăng cường xuất khẩu trong 2021.
Mặc dù khẳng định THQG là đòn bẩy để doanh nghiệp xây dựng chương trình truyền thông dựa vào uy tín của THQG, song ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch MVV Group chỉ ra rằng: Các doanh nghiệp không nên chỉ tập trung vào việc đạt được danh hiệu THQG mà hãy nhìn vào những giá trị doanh nghiệp có thể tận dụng được từ đây. THQG sẽ cung cấp cho doanh nghiệp bộ công cụ bao gồm các phương thức thực hiện, chỉ số đo lường để doanh nghiệp Việt Nam biết cách vận hành và thay đổi, giúp doanh nghiệp soi chiếu xem mình đang ở đâu, cần phải làm gì, đánh giá hiệu quả các hoạt động đang triển khai và sức mạnh nội tại của doanh nghiệp.
Từ đó theo ông Sơn, doanh nghiệp có thể quảng bá vị thế THQG qua 6 cột trụ gồm: Vị thế dẫn dắt, tầm nhìn doanh nghiệp, hình ảnh doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), truyền thông nội bộ, quan hệ báo chí.
“MVV đang có những hợp tác chiến lược với Cục Xúc tiến thương mại để huấn luyện, đào tạo cho các doanh nghiệp về cách thức xây dựng, quảng bá cho THQG. Đặc biệt MVV cũng kết hợp với Brand Finance nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp tham gia chương trình THQG trong thời gian tới”- ông Sơn chia sẻ.
Theo Công Thương