Tân Bộ trưởng Lê Minh Hoan: ‘Tôi mơ đến thương hiệu Mekong Delta’
Tân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ những dự định làm sao cho đời sống nông dân, nông thôn ngày càng khấm khá và bày tỏ những trăn trở về ‘nền nông nghiệp trách nhiệm’ khi ông bắt đầu nhận trọng trách mới.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hoan nói:
– Tôi suy nghĩ nhiều về tương quan giữa tăng trưởng nền nông nghiệp với thu nhập, chất lượng sống của người nông dân. Chỉ dựa trên kết quả tăng trưởng ngành, liệu chúng ta có thể “đọc” được mức thu nhập, chất lượng sống của nông dân?
Nhà nước có sứ mệnh mang lại những điều tốt đẹp cho xã hội, với tất cả mọi người. Quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp, vốn có sứ mạng đóng góp cho quốc gia nhưng cũng đừng quên rất nhiều hộ nông dân đang ngày đêm sản xuất và luôn chịu nhiều rủi ro trên mỗi cánh đồng, bờ ao… Người xưa đã đúc kết “phi nông bất ổn”.
Đừng chỉ hô hào người nông dân sản xuất
* Là tân bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, điều ông trăn trở nhất hiện nay là gì?
– Điều tôi trăn trở là phải cân đối giữa tăng trưởng và chất lượng sống của người nông dân cũng như tính đến những chi phí xã hội, chi phí môi trường trong bài toán phát triển. Vừa theo đuổi mục tiêu tăng trưởng nhưng cũng không được đánh đổi môi trường, hệ sinh thái, sức khỏe cộng đồng, uy tín một nền nông nghiệp.
Trong nền kinh tế, chúng ta cần tính cả bài toán chi phí chứ không chỉ nhắc đến bài toán doanh thu. Ngoài vật tư, phân bón là chi phí đầu vào tính được, còn chi phí môi trường, chi phí cho sức khỏe người nông dân…
Khi ngành nông nghiệp cứ chạy theo sản lượng cao dễ dẫn đến lạm dụng phân, thuốc. Việc này vừa ảnh hưởng đến thương hiệu nông sản vừa tác động đến chính sức khỏe người nông dân.
Bên cạnh đó, những đứt gãy thỉnh thoảng lại xuất hiện, đâu đó lại phải “giải cứu nông sản”. Không chỉ khi COVID-19 diễn biến phức tạp, câu chuyện “giải cứu” mới được nhắc đến như vừa qua. Ngay cả khi không có dịch bệnh bất thường, lâu lâu chúng ta lại thấy nông sản “kêu cứu”, như dưa hấu Quảng Ngãi, hành tím Sóc Trăng hay như vừa rồi cam Tuyên Quang, Hà Giang…
Rõ ràng có sự bất cân xứng thông tin thị trường, kết nối cung – cầu chưa chặt. Thời gian qua, chúng ta làm tốt được một phần là liên kết giữa người sản xuất, hợp tác xã thông qua việc ký kết các hợp đồng để đưa nông sản ra thị trường. Nhưng để bền vững hơn, tránh rủi ro mùa vụ hơn, phải chuyển từ chuỗi liên kết sang chuỗi giá trị và đích đến là thị trường, là người tiêu dùng.
* Sự chuyển đổi này sẽ làm thay đổi căn bản nền nông nghiệp ra sao?
– Nếu với chuỗi liên kết, nông sản từ ruộng vườn ra thị trường thì khi có chuỗi giá trị, nông sản được phân loại, sơ chế, chế biến một phần rồi mới cung ứng đến thị trường.
Điều này giúp giảm thiểu rủi ro mùa vụ. Lý thuyết là vậy nhưng làm sao người nông dân, các hợp tác xã nắm bắt thông tin, tiếp cận công nghệ, chính sách hỗ trợ để đảm trách được việc này?
Những doanh nghiệp lớn có kho bãi lớn, kho lạnh bảo quản, có nhà máy chế biến. Còn hàng chục triệu nông dân, hợp tác xã cũng cần tìm cách để bước đầu đáp ứng yêu cầu bảo quản, sơ chế cung cấp cho các doanh nghiệp.
Chúng ta quan tâm đến các chỉ tiêu tăng trưởng do các doanh nghiệp lớn tạo ra nhưng còn phải chú trọng đến hàng chục triệu nông dân, hàng chục ngàn hợp tác xã. Ngoài thu nhập từ sản xuất, người nông dân có thu nhập thêm từ việc sơ chế, bảo quản, chế biến và qua đó còn tạo được nhiều việc làm cho nông dân.
Tạo thêm nhiều việc làm, dòng chảy nông dân phải bỏ ruộng, rời vườn, tìm đến các đô thị sẽ giảm. Tăng trưởng nông nghiệp không chỉ là tăng về doanh thu, mà còn cải thiện, nâng cao thu nhập của người nông dân và tạo thêm nhiều việc làm ở nông thôn.
Tôi rất tâm đắc với lời đề từ trong một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: “Bố mẹ tôi là nông dân. Tôi sinh ra ở nông thôn”. Tôi gắn bó mật thiết với nông nghiệp, nông dân, và nông thôn. Thời gian công tác ở Đồng Tháp, tôi thường đi cơ sở, lắng nghe, trò chuyện với bà con nông dân. Với tôi, đây là những gắn kết chân tình, là hành trang quý báu trên hành trình gắn bó với nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới. Bên cạnh tư duy chiến lược, tổng thể, mỗi quyết sách về nông nghiệp cần hòa cùng hơi thở thực tế của đời sống nông thôn, chuyển tải tâm tư, trăn trở của bà con nông dân
Ông LÊ MINH HOAN
* Bài toán có đáp số nhưng lời giải sẽ thế nào? Ngành nông nghiệp có vai trò ra sao để giải bài toán này?
– Phải nâng cao, chuyển đổi nhận thức từ chính quyền. Chính quyền không thể chỉ hô hào người nông dân sản xuất mà cần gợi mở cho họ hướng tiếp cận mới, cách tư duy khác. Thay vì chỉ là tư duy sản xuất thuần túy, cần chuyển đến tư duy kinh tế nông nghiệp.
Cạnh đó, cần đến vai trò, trách nhiệm của ngành nông nghiệp. Chúng ta phải kích hoạt, kết nối đầu ra nông sản, cả nông sản tươi và nông sản chế biến. Có như vậy mới định hướng được sản xuất đầu vào. Nếu đầu ra ùn thì đầu vào ứ.
Lâu nay chính ngành nông nghiệp cũng quan niệm đầu ra thuộc trách nhiệm một đơn vị khác, một ngành khác, ví dụ như công thương, trung tâm xúc tiến thương mại… Nhưng bây giờ, trong bảng kế hoạch phát triển một ngành hàng, mọi khâu phải nhất quán, xuyên suốt, giải pháp thị trường phải được đặt ra ngay trong kế hoạch, quy hoạch từ đầu.
* Như vừa rồi ở Hải Dương, có người bỏ cả tỉ đồng trồng rau mà đến kỳ thu hoạch vẫn mơ hồ về đầu ra, ứ lại hàng trăm tấn. Ngành nông nghiệp ở đâu khi người nông dân có vẻ đã không được hỗ trợ kịp thời?
– Trước đây, khi bắt gặp những mô hình nông dân đầu tư lớn cho nông nghiệp, sản xuất một loại nông sản nào đó, chúng ta rất hào hứng. Nhưng phải thay đổi tư duy.
Lãnh đạo chính quyền, ngành chuyên môn bắt gặp các mô hình như vậy nên nghĩ ngay đến những rủi ro sẽ gặp phải trước. Nghĩ đến rủi ro không phải để không khuyến khích, mà nhìn thấy để giảm thiểu và chủ động ứng phó khi rủi ro xảy ra, tư vấn kịp thời cho nông dân, dựa vào diễn biến tình hình sản xuất để quyết định ngay từ khi xuống giống.
Từ vị trí người đứng đầu một địa phương thành người đứng đầu một bộ, với tôi, một trong những khó khăn lớn nhất đến từ chính bản thân mình. Đảm nhận một vị trí mới, vào cương vị người đứng đầu, tâm lý thông thường dễ thiên vào mong muốn nhanh chóng tạo ra sự khác biệt, thay đổi. Ý thức rõ điều này, tôi tự nhủ “nóng ruột, chứ không được nóng vội”. Nhận công tác ở bộ một thời gian ngắn, tôi tiếp cận, làm việc với đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản với nhiều học hàm, học vị cả ở nước ngoài, với nhiều tri thức mới, nhiều tâm huyết cống hiến cho ngành, cho đất nước. Quan trọng là biết tôn trọng, gắn kết và phát huy sức mạnh tiềm tàng trong đội ngũ đó.
Ông LÊ MINH HOAN
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan: ‘Đổi mới vừa cần thuyết phục, vừa cần chứng minh, thậm chí có lúc nên chờ đợi một chút’ – Ảnh: VIỆT DŨNG
Mơ thương hiệu “Mekong Delta” được cả thế giới biết đến
* ĐBSCL đang đứng trước những thách thức của biến đổi khí hậu, các điều kiện hạ tầng còn hạn chế. Là người am hiểu và tâm huyết với ĐBSCL, ông có giải pháp trọng yếu gì để thúc đẩy, phát triển vùng đất này?
– Nếu nói biến đổi khí hậu là một thách thức, thì nhìn một cách tích cực khi giải quyết được thách thức này lại tạo ra một thương hiệu cho ĐBSCL. Bởi lẽ không chỉ ĐBSCL bị tác động của biến đổi khí hậu, mà một trong năm đồng bằng lớn nhất thế giới người ta cũng đang bị tương tự như vậy.
Đầu tiên phải thực hiện đúng tinh thần nghị quyết 120, chuyển đổi mô hình sản xuất dựa vào thiên nhiên.
Từ tư duy sản xuất nông nghiệp phải chuyển thành tư duy kinh tế nông nghiệp, có thể sản lượng không nhiều hơn nhưng chất lượng hơn, nên lâu dài khi có thương hiệu, lợi nhuận sẽ cao hơn. Phải có chiến lược để phát triển dựa trên hệ sinh thái, giải quyết được ổn thỏa bài toán sản xuất và thích ứng.
“Thích ứng” là một cách tiếp cận rất hay. Không phải đối phó, ứng phó, mà là thích nghi một cách hài hòa với quy luật thiên nhiên. Không chỉ phát triển kết cấu hạ tầng mà là cả một hệ tư duy, hệ thống vận hành của nền nông nghiệp đồng bằng, nông nghiệp từng địa phương, tiểu vùng, từng tỉnh, từng huyện phải được thay đổi.
Hiện các cơ quan của bộ bắt đầu nghiên cứu quy trình vận hành, tiên liệu những tác động bằng hệ thống quan trắc. Chúng ta phải có giải pháp. Nghị quyết 120 đã trải ra hết rồi, giờ phải cụ thể trong từng tiểu vùng sinh thái.
Tôi kỳ vọng một ngày nào đó, thương hiệu “Mekong Delta” được thế giới biết đến là hình ảnh một vùng đồng bằng mặc dù chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu nhưng người dân biết cách thích ứng, biết vượt qua thách thức và phát triển một cách thông minh, hài hòa, thuận thiên.
Theo Tuổi Trẻ