Quảng cáo “trị xương khớp” trên Youtube vi phạm nghiêm trọng luật pháp VN
Theo chia sẻ từ chuyên gia, nội dung clip quảng cáo “bà con gọi cho tôi trị xương khớp” có chứa nhiều sai phạm, không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Theo điều 79.2 Luật Dược 2016 quy định thuốc được quảng cáo phải đáp ứng các điều kiện như: (1) Thuộc Danh mục thuốc không kê đơn; (2) Không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng hoặc sử dụng dưới sự giám sát của thầy thuốc; (3) Giấy đăng ký lưu hành thuốc còn thời hạn hiệu lực tại Việt Nam.
Đồng thời, cơ sở đăng ký thuốc, cơ sở kinh doanh dược phải xin Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc của Cơ quan có thẩm quyền trước khi quảng cáo thuốc trên các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 125 Nghị định 53/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dược, nội dung quảng cáo thuốc trên các trang thông tin điện tử, thiết bị điện tử cần phải có các thông tin bắt buộc như: (i) Tên thuốc; (ii) Thành phần dược chất hoặc dược liệu ghi trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc; (iii) Chỉ định; (iv) Chống chỉ định, những khuyến cáo cho đối tượng đặc biệt; (v) Tên, địa chỉ của cơ sở sản xuất thuốc; (vi) Lời dặn “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”.
“Đối chiếu với đoạn clip quảng cáo “thuốc trị xương khớp”, chúng tôi nhận thấy rằng nội dung quảng cáo trong đoạn clip này là không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, do nội dung quảng cáo không đề cập đến bất kỳ thông tin bắt buộc phải có theo quy định pháp luật nêu trên”, ông Nguyễn Tất Thắng – Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH DTLAW nhận định.
Ông Thắng cho biết thêm căn cứ quy định tại Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, Điều 126 Nghị định 53/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dược về các thông tin, hình ảnh không được sử dụng trong nội dung quảng cáo thuốc, đoạn clip quảng cáo “thuốc trị xương khớp” chứa đựng một số nội dung vi phạm quy định pháp luật như sau:
- Chứa các cụm từ: “cam kết chữa khỏi 100%”, “loại bỏ hoàn toàn”, “khỏi dứt điểm”, “không bao giờ tái lại”, “điện thoại tư vấn” (Khoản 6 Điều 126 Nghị định 53)
- Các câu, từ mang tính mách bảo, truyền miệng để khuyên dùng thuốc trong các nội dung của người đã từng chữa bệnh phản hồi (Khoản 15 Điều 126 Nghị định 53)
- Sử dụng hình ảnh người bệnh để mô tả tình trạng bệnh lý hoặc công dụng của thuốc không phù hợp với tài liệu liên quan đến thuốc (Khoản 16 Điều 126 Nghị định 53)
“Với những sai phạm lớn như trên thì nhiều khả năng là quảng cáo này chưa được Cơ quan có thẩm quyền cấp phép”, ông Thắng chia sẻ.
Không chỉ thế, bản thân quảng cáo “bà con gọi cho tôi trị xương khớp” cũng vi phạm các chính sách của Google. Theo chính sách về chăm sóc sức khỏe và thuốc trên trang web của Google, thuốc là mặt hàng cấm chạy quảng cáo tại Việt Nam.
Trao đổi với Dân trí, đại diện Google tại Việt Nam cho biết mạng xã hội YouTube có chính sách nghiêm ngặt về chăm sóc sức khỏe và thuốc.
“Chúng tôi có các chính sách quảng cáo nghiêm ngặt quản lý các loại quảng cáo mà chúng tôi cho phép trên nền tảng của mình, bao gồm các chính sách về chăm sóc sức khỏe và thuốc. Khi phát hiện thấy những quảng cáo vi phạm chính sách của mình, chúng tôi sẽ nhanh chóng gỡ bỏ chúng”, đại diện Google tại Việt Nam cho biết.
Tuy nhiên, khi được hỏi thêm về việc vì sao những quảng cáo như thuốc trị xương khớp, thuốc trị sỏi thận dù bị cấm như vẫn có thể lọt qua được kiểm duyệt của Google thì người này từ chối đưa ra câu trả lời.
Ngày 30/3, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản gửi Bộ Y tế truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tình trạng loạn “thần y”, “lương y” tự xưng quảng cáo chữa bách bệnh tràn lan trên mạng xã hội.
Theo Văn phòng Chính phủ, gần đây, hiện tượng tự xưng “lương y”, “thần y” chữa bách bệnh tràn lan trên mạng xã hội, quảng cáo thuốc không rõ nguồn gốc, chất lượng, giới thiệu thực hiện hoạt động khám chữa bệnh trái phép.
Trên mạng cũng xuất hiện nhiều nhóm tự xưng “thần y” chữa được nhiều bệnh như yếu sinh lý, hiếm muộn, vô sinh… và cũng chưa có cơ quan chức năng xử lý.
Trước hiện tượng trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan liên quan kiểm tra, có biện pháp quản lý, xử lý phù hợp.
Dân Trí