Việt Nam ‘phấn đấu trở thành quốc gia số’ vào năm 2030
Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phấn đấu trở thành quốc gia số là một trong những nội dung của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm tới.
Sáng 28/3, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt nghị quyết Đại hội XIII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giới thiệu chuyên đề Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới (2021-2025).
Theo đó, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro; trình độ khoa học công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; tăng trưởng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong khó khăn thách thức, “chúng ta phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm”; đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
“Thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng quy mô lớn, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, giải quyết việc làm”, ông nói.
Lãnh đạo Chính phủ cho biết Việt Nam ưu tiên chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực như y tế, giáo dục đào tạo, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên môi trường, sản xuất công nghiệp.
Chiến lược phát triển 10 năm tới đưa ra định hướng phát triển một số doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, doanh nghiệp số chủ lực thực hiện tốt vai trò dẫn dắt về hạ tầng công nghệ số, làm nền tảng cho nền kinh tế số, xã hội số.
“Phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới…”, Thủ tướng nói.
Chiến lược cũng xác định 11 chỉ tiêu, gồm 7 chỉ tiêu kinh tế, 4 chỉ tiêu môi trường. Trong đó, áp lực đối với Việt Nam là liên tục tăng trưởng cao, nếu không sẽ tụt hậu… “Năm nay, chúng ta phấn đấu 6-6,5%, sang năm có thể 7%, nhưng sắp tới phải 8-9% bình quân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại hội nghị hôm qua (27/3), Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã báo cáo nội dung tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Trung ương khóa XII trình Đại hội XIII.
Ông cho biết Đại hội XIII xác định nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó có việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu…
“Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, trong đó lưu ý cần tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”, ông Phạm Minh Chính nói.
Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Đại hội XIII không đặt vấn đề sửa đổi điều lệ Đảng. Tuy nhiên, chương trình làm việc toàn khóa của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã đặt đặt vấn đề nghiên cứu, tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng và dự kiến sẽ tổng kết vào năm thứ 2 thứ 3 của nhiệm kỳ, trên cơ sở đó có thể bổ sung, sửa đổi nếu thấy cần thiết.
Diễn ra trong 2 ngày 27-28/3, hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII được truyền trực tiếp từ điểm cầu Trung ương tại Phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội) tới 67 điểm cầu các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương và được mở rộng đến hơn 7.300 điểm cầu cơ sở.
Lần đầu tiên gần một triệu đảng viên (chiếm gần 1/5 số đảng viên toàn quốc) được các lãnh đạo cấp cao của Đảng trong vai trò báo cáo viên trực tiếp quán triệt những nội dung chính của nghị quyết Đại hội XIII.
Theo VNEXPRESS