Doanh nghiệp kiến nghị không kiểm tra thực tế hàng quá cảnh còn niêm phong

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp kinh doanh hàng quá cảnh Việt Nam – ASEAN tỉnh Lạng Sơn (Hiệp hội), phản ánh: việc cơ quan hải quan tại các cửa khẩu kiểm tra thực tế hàng hóa kinh doanh quá cảnh đã làm phát sinh nhiều chi phí, làm hạn chế phát triển lĩnh vực logistics Việt Nam. Các doanh nghiệp kinh doanh quá cảnh kiến nghị, không thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa quá cảnh còn nguyên niêm phong hải quan…

Hải quan Lạng Sơn kiểm tra hàng hóa nhập khẩu tại Cửa khẩu Cốc Nam. Ảnh NQ

Liên quan đến các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa quá cảnh, được biết, kể từ tháng 7/2018 đến nay, theo đề nghị của Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan, cơ quan hải quan tại các cửa khẩu đã tiến hành kiểm tra thực tế các lô hàng quá cảnh của các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa quá cảnh Việt Nam – ASEAN tỉnh Lạng Sơn.

Theo phản ánh từ phía các doanh nghiệp thì việc kiểm tra thực tế này có tính bất thường. Bởi lẽ, cơ quan hải quan kiểm tra thực tế ngay sau khi các doanh nghiệp quá cảnh vừa nhận hàng từ phương tiện vận tải của chủ hàng nước ngoài ở trong khu vực giám sát của hải quan và có sự chứng kiến, giám sát của cán bộ hải quan. Hàng hóa quá cảnh sau khi chuyển sang phương tiện của doanh nghiệp quá cảnh Việt Nam, cũng được kẹp chì niêm phong của cơ quan hải quan cửa khẩu.

Quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa quá cảnh của hải quan cho thấy, có những container vi phạm (chủ yếu là vi phạm không khai tên và số lượng hàng hóa, vi phạm về hàng hóa giả mạo nhãn hiệu), nhưng rất nhiều container khi kiểm tra hải quan không phát hiện ra vi phạm. Quá trình kiểm tra thực tế được hải quan thực hiện theo phương pháp thủ công, các container chứa hàng phải dỡ niêm phong, nên thời gian bị kéo dài nhiều ngày. Hàng hóa của doanh nghiệp hay bị mất, bị lấy trộm do thiếu nhân lực giám sát và thiếu cơ sở hạ tầng tại một số cửa khẩu; hoặc hàng hóa sau khi kiểm tra đã bị hỏng, bao bì không còn nguyên vẹn. Sau khi kiểm tra thực tế, hàng hóa phải xếp lại vào container thì bị thừa, điều này đã dẫn đến việc hải quan phía Lào, Campuchia, Thái Lan nghi ngờ các doanh nghiệp kinh doanh quá cảnh buôn lậu và xử lý vi phạm phát sinh chi phí lớn.

Các doanh nghiệp kinh doanh hàng quá cảnh ở Lạng Sơn, cho rằng, việc kiểm tra thực tế hàng hóa quá cảnh đã làm mất uy tín của doanh nghiệp Việt Nam, làm hạn chế phát triển của ngành logistic Việt Nam. Cùng với việc, hiện nay phía Trung Quốc đang khuyến khích hàng hóa vận chuyển theo tuyến Vân Nam – Poten – Viên Chăn – Băng Cốc, đồng thời áp dụng chặt chẽ hàng rào phi thuế quan và các biện pháp kỹ thuật khác trên tuyến Quảng Tây – Việt Nam (Lạng Sơn) khiến cho hàng hóa lưu thông luôn bị tắc nghẽn. Một số khách hàng vì vậy đã lựa chọn chuyển hướng đi theo đường biển quá cảnh vào Băng Cốc (Thái Lan) rồi đi tiếp sang Malaysia – Singapore.

Tác động ảnh hưởng từ việc kiểm tra thực tế và xử lý vi phạm hàng hóa quá cảnh của hải quan Việt Nam, khiến nhiều chủ hàng nước ngoài đã không trả tiền thuê vận chuyển cho các doanh nghiệp quá cảnh thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp kinh doanh hàng quá cảnh Việt Nam – ASEAN tỉnh Lạng Sơn, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam bồi thường thiệt hại và chuyển tuyến không vận chuyển quá cảnh qua Việt Nam.

Hiệp hội Doanh nghiệp kinh doanh hàng quá cảnh Việt Nam – ASEAN tỉnh Lạng Sơn cho rằng, nếu tình trạng nêu trên tiếp tục kéo dài, nhiều doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội sẽ bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, có nguy cơ bị phá sản. Do vậy, Hiệp hội kiến nghị các bộ, ngành chức năng và hải quan, cho phép hàng hóa kinh doanh quá cảnh còn nguyên kẹp chì niêm phong của hải quan được miễn kiểm tra thực tế, hải quan chỉ kiểm tra thực tế khi có bằng chứng rõ ràng có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Hải quan Việt Nam cần có cơ chế phối hợp với hải quan các nước láng giềng để xử lý vi phạm không khai tên hàng và số lượng hàng hóa, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu của các chủ hàng nước ngoài. Áp dụng thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh theo mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại tất cả các cửa khẩu để tạo thuận lợi thương mại.

Do hàng hóa quá cảnh niêm phong, chịu sự giám sát hải quan và tuân thủ thời gian cũng như tuyến đường quá cảnh, không tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, nên sẽ không gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong nước, các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa quá cảnh kiến nghị, cần sửa đổi, bãi bỏ các quy định kiểm tra không phù hợp, hướng dẫn các tiêu chí cụ thể, rõ ràng xác định “dấu hiệu vi phạm pháp luật về hải quan” trong việc tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa quá cảnh. Cải thiện các điều kiện cơ sở vật chất, dịch vụ logistics tại các cửa khẩu (kho, bãi…) và trang bị cho hải quan các thiết bị công nghệ hiện đại hỗ trợ kiểm tra hàng hóa nhằm hạn chế kiểm tra thủ công, hạn chế tháo gỡ niêm phong container.

Do bị kiểm tra thực tế hàng hóa quá cảnh khiến phát sinh nhiều chi phí, trong khi đó, doanh nghiệp kinh doanh quá cảnh Việt Nam lại không thể yêu cầu phía khách hàng nước ngoài thanh toán khoản này được, Hiệp hội Kinh doanh hàng quá cảnh Việt Nam – ASEAN tỉnh Lạng Sơn, kiến nghị, cần chia sẻ và hỗ trợ chi phí phát sinh (chi phí kho bãi, bốc dỡ, lưu xe…) trong trường hợp cơ quan hải quan cửa khẩu thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa nhưng không phát hiện ra vi phạm.

Theo Công Thương

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…