Việt Nam phản hồi sứ quán Mỹ đăng bản đồ thiếu Hoàng Sa, Trường Sa
Bộ Ngoại giao tái khẳng định chủ quyền ở Biển Đông khi Đại sứ quán Mỹ đăng bản đồ Việt Nam có Trường Sa và Hoàng Sa, nhưng sau đó thay hình ảnh không có hai quần đảo.
“Việt Nam nhất quán lập trường coi Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Lập trường nhất quán và xuyên suốt đó đã được bày tỏ nhiều lần, dưới nhiều hình thức khác nhau, kể cả ở Liên Hợp Quốc, được nhiều quốc gia tôn trọng, ủng hộ”, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói trong họp báo thường kỳ chiều 17/9 tại Hà Nội.
Bà Hằng trả lời câu hỏi về phản hồi của Việt Nam sau khi Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đăng hình ảnh bản đồ Việt Nam trên Facebook có Hoàng Sa và Trường Sa ngày 9/9, nhưng sau đó thay thế bằng hình ảnh khác không có hai quần đảo này.
Bài viết của Đại sứ quán Mỹ được đăng tải nhân dịp khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) và các hội nghị liên quan, gồm cả các nội dung hợp tác với Việt Nam, điểm lại quan hệ đối tác trong 25 năm qua.
“Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình với Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật quốc tế”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.
Mỹ từ lâu tuyên bố quan điểm là nước có lợi ích ở Biển Đông, không đứng về bên nào trong tranh chấp ở khu vực. Mỹ ủng hộ hoà bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, kêu gọi các bên liên quan giải quyết hoà bình các tranh chấp, tuân thủ luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), không sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực.
Đầu tháng 7, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết nước này thực hiện ba hướng duy trì ổn định ở Biển Đông, gồm tăng hoạt động ngoại giao với các đối tác ở khu vực, trong đó có ASEAN; hỗ trợ các nước tăng cường năng lực hàng hải; phát triển năng lực quân sự của Mỹ, trong đó có các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải.
Biển Đông, tuyến đường biển quan trọng hàng đầu của thế giới, trở thành điểm nóng tranh chấp khi Trung Quốc đơn phương vẽ ra “đường chín đoạn”, đòi chủ quyền với gần như toàn bộ vùng biển, bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực và dư luận quốc tế.
Toà Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh tuyên bố không tuân thủ phán quyết. Trung Quốc gần đây nêu yêu sách “Tứ Sa”, được coi là tên gọi khác của “Đường chín đoạn” phi pháp.
Theo Vnexpress