Chuyên gia: ASEAN giữ được thăng bằng giữa đối đầu Mỹ – Trung
ASEAN duy trì được lập trường độc lập trong cạnh tranh giữa hai cường quốc, vốn là một thách thức lớn của Hiệp hội trong năm 2020, theo giới chuyên gia.
“ASEAN đã nỗ lực duy trì cân bằng một cách thận trọng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, và Hiệp hội đã thành công”, Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, chuyên gia tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS), nói với VnExpress, khi đánh giá về chuỗi hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) và các hội nghị liên quan, kết thúc hôm 12/9.
Collin cho hay cách ASEAN xử lý các thách thức, trong đó có cạnh tranh Mỹ – Trung, “đúng như những gì cần phải thực hiện”.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong họp báo kết thúc AMM 53 hôm 12/9 cho biết đại diện các nước ASEAN và các đối tác đã thảo luận về cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trong các hội nghị liên quan, trong đó có Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF).
Khi cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc gần đây trở nên khốc liệt trên nhiều lĩnh vực, khiến các nước vừa và nhỏ đứng trước áp lực “chọn bên”, các bộ trưởng ASEAN đã khẳng định quyết tâm duy trì khu vực Đông Nam Á hòa bình, an ninh, trung lập và ổn định, củng cố đoàn kết, tự cường, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN. Hiệp hội cũng nhấn mạnh cần tăng cường xây dựng lòng tin, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật như tinh thần Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhân dịp kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN ngày 8/8.
“Tuyên bố thể hiện vai trò trung tâm của ASEAN và Hiệp hội không muốn bị kẹt trong các cạnh tranh giữa các nước, tác động đến hòa bình, ổn định của khu vực”, ông Minh nói, khẳng định Đông Nam Á là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng.
Lucio Blanco Pitlo, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Hướng Phát triển cho Châu Á-Thái Bình Dương, Philippines, cũng cho biết Hiệp hội tiếp tục tránh chọn bên, khẳng định vai trò trung tâm của mình trong môi trường khu vực có nhiều biến chuyển.
“ASEAN tiếp tục mở rộng đối tác, hoan nghênh các sáng kiến đem lại lợi ích cho khu vực”, Lucio nói.
Hiệp hội đã thống nhất thêm 4 đối tác gồm Pháp, Italy, Columbia và Cuba. Hiện ASEAN có các đối tác chính là Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Canada, EU.
Trong họp báo ngày 12/9, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ ASEAN là một cộng đồng mở, luôn hoan nghênh các sáng kiến của các đối tác, nếu các sáng kiến đóng góp vào phát triển chung, xây dựng môi trường hoà bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực. Khi Trung Quốc đưa ra Sáng kiến dữ liệu an ninh toàn cầu, gắn kết Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN 2025 (MPAC) với sáng kiến Vành đai, Con đường của Bắc Kinh, ông Minh cho hay cơ quan chuyên ngành của các bên sẽ nghiên cứu để có kiến nghị phù hợp.
Khi đại dịch Covid-19 làm chậm tiến độ đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), Lucio cho rằng ASEAN nêu lên được các biện pháp thiết thực và xây dựng lòng tin giúp giảm căng thẳng.
“ASEAN tiếp tục bày tỏ quan ngại về các sự cố không đáng có ở Biển Đông, về nguy cơ tính toán sai, đặc biệt là khi cạnh tranh Mỹ – Trung đang gia tăng”, Lucio nói.
Trong các cuộc họp trong khuôn khổ AMM, các bộ trưởng ASEAN khẳng định cần tiếp tục thúc đẩy đối thoại và tăng cường xây dựng lòng tin, kiềm chế không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình, không quân sự hoá, không sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS). Các bộ trưởng bày tỏ mong muốn Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được thực hiện đầy đủ và hiệu quả, và kêu gọi sớm hoàn tất xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế. Vấn đề Biển Đông đã được nêu trong tất cả các hội nghị của ASEAN, trên tinh thần kêu gọi các bên đóng góp vào xây dựng một vùng biển hoà bình, ổn định, tự do hàng hải trên biển và trên không.
Theo tiến sĩ Collin, sự đình trệ trong đàm phán COC là một trong các vấn đề mà Việt Nam, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, khó có thể thúc đẩy vì lý do khách quan là dịch Covid-19.
Chuyên gia Lucio của Philippines nhận xét Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN vào đúng thời điểm thách thức với Hà Nội nói riêng và cả Hiệp hội nói chung. Đại dịch Covid-19 tác động đến nỗ lực ngoại giao cấp cao của các quan chức và khiến phục hồi kinh tế trở thành chương trình nghị sự quan trọng của nhiều quốc gia. Bên cạnh đó căng thẳng trên Biển Đông, cạnh tranh Mỹ – Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, sự thay đổi lãnh đạo ở Nhật Bản khi Thủ tướng Shinzo Abe từ chức, chính sách có thể thay đổi ở Mỹ khi bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11, là các vấn đề mà ASEAN phải xử lý.
Bất chấp những khó khăn đó, Lucio cho rằng Việt Nam đã làm tốt việc dẫn dắt thảo luận, dẫn tới đồng thuận của ASEAN để xử lý các thách thức nêu trên.
“Đáng chú ý, trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam đã cân bằng lợi ích của mình, là một bên có tranh chấp, với vai trò Chủ tịch để tạo đồng thuận giữa các thành viên ASEAN”, Lucio nói.
Derek Grossman, chuyên gia tại Tổ chức Rand, Mỹ, cũng cho rằng ASEAN trong năm Việt Nam làm Chủ tịch đã thể hiện khả năng xử lý đại dịch “một cách đáng ngưỡng mộ”, khi duy trì thảo luận các vấn đề quan trọng bằng hình thức trực tuyến.
Theo Collin, do ảnh hưởng của Covid-19, Việt Nam bị hạn chế khả năng thực hiện vai trò Chủ tịch một cách đầy đủ.
“Tuy nhiên Việt Nam vẫn thúc đẩy các vấn đề của Hiệp hội theo cách đáng ca ngợi”, Collin nói.
Việt Anh (theo vnexpress.net).