Mỹ phản đối việc can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông

Mỹ phản đối việc một quốc gia nào đó tìm cách can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí vốn có từ lâu của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam – Đại sứ Daniel Kritenbrink nêu rõ.

Trả lời câu hỏi về vấn đề Biển Đông trong buổi giao lưu trực tuyến với độc giả VietNamNet sáng qua, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết, an ninh hàng hải đóng vai trò sống còn với sự phát triển kinh tế của khu vực, toàn cầu cũng như với mỗi quốc gia trong khu vực. 

Điều quan trọng là luật pháp quốc tế phải được tôn trọng và mọi quốc gia phải hành xử theo luật pháp quốc tế. Không nước nào được dùng vũ lực để cưỡng ép, bắt nạt các quốc gia khác và để thúc đẩy lợi ích riêng của họ.

Ông khẳng định, Mỹ phản đối việc một quốc gia nào đó tìm cách can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí vốn có từ lâu của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Đại sứ Daniel Kritenbrink: Mọi quốc gia phải hành xử theo luật pháp quốc tế. Ảnh: Phạm Hải

Đại sứ Daniel Kritenbrink chia sẻ về những nội dung trong chiến lược Biển Đông của Mỹ. Thứ nhất là các hoạt động ngoại giao. Mỹ sẽ hợp tác với các quốc gia trong khu vực để thúc đẩy giải pháp hoà bình cho những tranh chấp trên Biển Đông cũng như tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có hợp tác với các nước trong ASEAN và các tổ chức quốc tế khác để đảm bảo duy trì tự do hàng hải, quyền bay ngang qua và các hoạt động thương mại không bị cản trở trong khu vực này. 

Thứ hai, tập trung hỗ trợ cho các quốc gia trong khu vực để tăng cường năng lực, giúp họ nhận thức điều gì đang diễn ra trong phạm vi lãnh thổ của mình, giúp họ có năng lực để đảm bảo các quyền lợi của mình.

“Đó là lý do Mỹ hợp tác với các nước trong khu vực ASEAN, trong toàn vùng, để nâng cao năng lực hàng hải của các nước đó. Mỹ tin rằng các nước có thể tự bảo vệ lợi ích của mình thì họ sẽ giúp sức cho duy trì sự ổn định khu vực và tránh xung đột”, ông nói. 

Thứ ba, Mỹ sẽ tiếp tục phát triển năng lực và thực hiện quyền của Mỹ. Đây là lý do hải quân Mỹ hiện diện ở khu vực Biển Đông, dù là các hoạt động thông thường hay hỗ trợ tự do hàng hải. Đại sứ Mỹ nhấn mạnh: “Các hoạt động này thể hiện cam kết của Mỹ ở khu vực, với những nguyên tắc mà tôi vừa đề cập, với thực hiện pháp luật trong khu vực. Mỹ sẽ tiếp tục bay ngang, di chuyển tới bất cứ nơi nào luật pháp cho phép”. 

Việt Nam là trung tâm trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương 

Đại sứ Daniel Kritenbrink cho rằng, Việt Nam có vai trò trung tâm trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ.

“Tôi cũng muốn nhắc lại sự kiện diễn ra hồi tháng 11/2017, trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam của mình, Tổng thống Donald Trump đã có phát biểu tại Đà Nẵng, trong đó ông đưa ra tầm nhìn của Mỹ về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Khi chúng ta là đối tác có cùng suy nghĩ, chúng ta có thể cùng thúc đẩy thịnh vượng trong khu vực’

Tại sao tôi nói Việt Nam có vai trò trung tâm trong chiến lược này? Tôi muốn chia sẻ rằng có lẽ không phải chỉ Việt Nam nhưng nếu các bạn nhìn vào chiến lược của chúng tôi, các bạn sẽ thấy, chính sách đối ngoại của chúng tôi thể hiện niềm tin rằng chúng tôi sẽ trở nên mạnh hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn khi chúng tôi có các đối tác, đồng minh cũng như những người bạn cũng mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập trong khu vực”, ông nói.

Đại sứ khẳng định, Mỹ hết sức quan tâm đến thành công của Việt Nam. Bởi theo ông, một nước Việt Nam mạnh mẽ, độc lập có vai trò rất lớn, giúp ích rất nhiều cho mối quan hệ Việt – Mỹ, không chỉ Việt Nam mà toàn bộ 10 nước trong khối ASEAN, mở rộng ra trong khu vực với nhiều đối tác khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand…

Ông bày tỏ tin tưởng, khi cùng làm việc với các đối tác này, các bên có thể thúc đẩy lợi ích, trong đó có hòa bình, ổn định và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Không ai tồn tại riêng lẻ

Đại sứ Daniel Kritenbrink nhấn mạnh, không ai chỉ tồn tại riêng lẻ. Nước Mỹ trên hết, không có nghĩa là nước Mỹ đứng một mình. 

“Khi chúng ta thành công, chúng ta có thể hỗ trợ lẫn nhau. Khi chúng ta là đối tác có cùng suy nghĩ, chúng ta có thể cùng thúc đẩy thịnh vượng trong khu vực”, ông cho biết. 

Đại sứ nhắc lại về nguyên tắc Mỹ hợp tác với các nước không nhắm tới một đối tượng cụ thể nào.

“Sự hợp tác này để hướng tới việc tất cả các quốc gia hợp tác với nhau, dù lớn hay nhỏ. Các nước đều tuân thủ luật pháp quốc tế, theo trật tự dựa trên luật pháp và hành xử theo luật pháp quốc tế.

Tôi cho rằng Việt Nam đóng một vai trò trong các hoạt động đó. Việt Nam là Chủ tịch ASEAN trong năm nay và đã có những thành công. Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo an LHQ với vai trò đáng kể. Vì vậy, tôi nói rằng Việt Nam đóng vai trò trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương”, ông Kritenbrink chia sẻ.

Đánh giá về chặng đường quan hệ Việt – Mỹ, Đại sứ khẳng định, hai bên đang có mối quan hệ tốt nhất từ trước tới nay, thậm chí tốt hơn kỳ vọng. Việt – Mỹ vừa là bạn bè, vừa là đối tác quan trọng của nhau và yếu tố quan trọng nhất đưa 2 nước xích lại gần nhau là nỗ lực của các nhà lãnh đạo của cả hai phía, cùng gác lại quá khứ và hướng tới tương lai.

Tuần Việt Nam (theo vietnamnet.vn).

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *