Pompeo: Biển Đông không phải ‘đế chế’ của Trung Quốc
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo phản đối Trung Quốc âm mưu độc chiếm Biển Đông, hoan nghênh ASEAN cam kết giải quyết tranh chấp trên biển theo luật quốc tế.
“Mỹ hoan nghênh tuyên bố của các lãnh đạo ASEAN rằng tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Trung Quốc không được phép coi Biển Đông là đế chế trên biển của mình”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đăng trên Twitter ngày 28/6.
Ngoại trưởng Mỹ dẫn lại dưới đoạn tweet này Tuyên bố “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” được các lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 ngày 26/6. Pompeo cho hay “chúng ta sẽ sớm bàn thêm về chủ đề này”, nhưng không nêu chi tiết.
Phát biểu được Ngoại trưởng Pompeo đưa ra sau khi lãnh đạo ASEAN ra Tuyên bố Chủ tịch bày tỏ quan ngại về hoạt động cải tạo đất, các diễn biến, hoạt động và sự việc nghiêm trọng gần đây ở Biển Đông, vốn làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy giảm hoà bình, an ninh và ổn định trong khu vực
ASEAN kêu gọi các bên tăng cường xây dựng lòng tin, kiềm chế các hoạt động làm phức tạp hóa hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, theo đuổi giải pháp hòa bình, tuân theo luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
ASEAN tái khẳng định UNCLOS là cơ sở để xác định các thực thể trên biển, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp trên các vùng biển. UNCLOS cũng tạo ra khung pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương.
Tuyên bố Chủ tịch ASEAN được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc từ đầu năm liên tiếp có hoạt động khiêu khích trên Biển Đông, khi các nước trên thế giới dồn lực chống Covid-19.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố thành lập cái gọi là quận hành chính “quản lý” quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đâm chìm tàu cá Việt Nam, đơn phương ra lệnh cấm bắt cá, điều tàu khảo sát bám sát tàu thăm dò dầu khí của Malaysia.
Trung Quốc cho canh tác rau trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp. Nước này còn gửi các công hàm đến Liên Hợp Quốc đòi yêu sách Tứ Sa, khu vực có phạm vi rộng hơn “đường 9 đoạn”, trái ngược với quy định của luật pháp quốc tế.
Ngoại trưởng Pompeo ngày 2/6 cho biết Mỹ đã gửi công thư cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres để phản đối “các yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông” và coi chúng “bất hợp pháp và nguy hiểm”. Mỹ yêu cầu Liên Hợp Quốc gửi công thư này đến tất cả thành viên, đồng thời đăng trên trang web của văn phòng pháp chế.
Nguyễn Tiến (Theo Hindustan Times)