Tạo thói quen đọc để học

‘Nuôi dưỡng tình yêu sách cho học sinh’, ‘Gắn văn hóa đọc với giảng dạy’, ‘Phát triển văn hóa đọc trong trường’, ‘Lớn lên cùng sách’… là những hoạt động tại nhiều trường học để vun đắp thói quen đọc sách cho trẻ.

Tạo thói quen đọc để học - Ảnh 1.
Ngày nay đọc không chỉ với sách giấy mà thông qua nhiều phương tiện khác như ebook… Trong ảnh: Trường tiểu học Phan Văn Trị (Q.1, TP.HCM) đã xây dựng thư viện giúp học sinh hình thành thói quen đọc sách – Ảnh: DUYÊN PHAN

Những hoạt động này được giới thiệu tại tọa đàm “Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?” do Sở Thông tin – truyền thông TP.HCM, Hội Xuất bản VN và báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 19-4.

Phụ huynh cần nêu gương đọc sách cho con. Khi ngồi với con thì hãy “quăng” điện thoại, iPad qua một bên. Gia đình cũng phải nhìn nhận lại cách đánh giá học sinh. Trước đây con được 9-10 điểm cha mẹ thường đem khoe. Giờ nếu con chỉ được 8 điểm nhưng là nhờ sự tự học và có qua quá trình đọc sách thì nên tuyên dương…

Ông LÊ DUY TÂN

Bắt tay phát triển văn hóa đọc

Cô Phạm Thị Chinh – hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Hòa B (Dĩ An, Bình Dương) – mang đến tọa đàm câu chuyện cô tất tả ngược xuôi mang sách đến cho học trò của mình. “Trường tôi có 1.200 học sinh. Qua khảo sát tôi… giật mình chuyện ngoài một số em thích đọc truyện tranh, hầu hết các em chưa có thói quen đọc sách”, cô Chinh kể.

Từ thực trạng ấy, cô Chinh “thấy cần phải bắt tay vào phát triển văn hóa đọc trong toàn trường”. Việc đầu tiên cô làm là tìm nguồn sách cho thư viện như vận động cha mẹ học sinh, liên hệ các nhà sách để mua sách và các tổ chức xã hội để… xin sách. Có sách rồi, cô Chinh tiếp tục lập kế hoạch phát triển văn hóa đọc.

“Đối với giáo viên, trường mở câu lạc bộ đọc sách, tuyên truyền cho giáo viên về vai trò và tầm quan trọng trong việc đọc sách cho học sinh. Giáo viên phải hiểu được mục đích của việc làm tốt đẹp này thì kế hoạch mới thành công được” – cô Chinh bảo vậy.

Chuẩn bị xong mọi mặt, năm học 2016-2017 trường này khuyến khích học sinh tham gia đọc sách tại lớp, tại thư viện. Trường cũng đưa sách ra hành lang để học sinh đọc vào giờ giải lao, giờ nghỉ trưa.

Năm học 2017-2018 trường đưa 35 phút đọc sách/tuần vào chiều thứ sáu. Đến năm học 2018-2019, trường dành 30 phút các ngày trong tuần từ 7h-7h30 là thời gian dành cho đọc sách của học sinh.

“Vận dụng 30 phút đầu tiên cho các em đọc sách hằng ngày nhằm rèn thói quen đọc cho các em. Còn lại nhà trường khuyến khích việc đọc thêm ở nhà, đọc vào thời gian rỗi, thư giãn. Bước đầu đã tạo cho các em thói quen đọc sách, khơi gợi niềm đam mê, sự yêu thích sách. Từ đó nâng cao dần ý thức đọc cho các em.

Sau khi đọc xong mỗi quyển sách, học sinh đều phải ghi vào phiếu nhật ký đọc sách. Mỗi phiếu được nhà trường phát về cho học sinh cập nhật ghi cảm nghĩ của em về quyển sách em đã đọc…” – cô Chinh kết luận.

Vai trò của phụ huynh rất lớn trong quá trình hình thành thói quen đọc sách cho trẻ. Bởi việc đọc sách của các em không chỉ diễn ra ở trường…

Cô PHẠM THỊ CHINH

Tạo thói quen đọc để học - Ảnh 4.
Học sinh đọc sách tại sảnh Trường tiểu học Đông Hòa B – Ảnh: THU HOÀI

Thư viện là trái tim của trường

Tương tự, cô Trần Thụy Ngọc Trâm – giáo viên môn ngữ văn Trường THCS Nguyễn Hiền (Q.7, TP.HCM) – cho hay từ năm học 2017-2018 trường đã xây dựng kế hoạch phát triển thư viện thành “Trái tim của nhà trường”.

“Trong hai năm học qua, từ đầu năm học cô tổ trưởng chuyên môn đã chủ trì buổi thảo luận xây dựng kế hoạch thực hiện tiết đọc sách. Các giáo viên trong tổ cùng bàn bạc, sắp xếp để lên lịch tổ chức tiết đọc sách tại thư viện trong tiết ngữ văn. Việc này nhằm đảm bảo học sinh ở tất cả các lớp đều có một tiết đến với thư viện để đọc sách trong tháng.

Đây là một hoạt động trải nghiệm mới mẻ, đưa tiết học ra ngoài không gian lớp học, đa dạng hóa hoạt động học tập, phong phú kiến thức tiếp nhận ngoài sách giáo khoa…” – cô Trâm kể.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp – giáo viên Trường song ngữ quốc tế Horizon – sau khi chia sẻ dự án “Lớn lên cùng sách” của nhà trường đã đúc kết: “Con trẻ khi được cha mẹ, ông bà cho tiếp xúc sớm với sách sẽ phát triển ngôn ngữ và nhận thức thế giới xung quanh tốt hơn.

Khi đến trường học, trẻ đọc lưu loát, viết văn không phạm sai lỗi chính tả, ngữ pháp, ngôn từ phong phú và sớm hiểu biết so với bạn bè cùng trang lứa. Sách gieo giấc mơ đẹp cho tuổi thơ…”.

Nhiều trường khác cũng có những hoạt động đưa sách đến cho học sinh như “Nuôi dưỡng tình yêu sách cho học sinh từ bậc mầm non” của ThS Lê Thị Liên (Công ty CP giáo dục Thành Thành Công), “Gắn văn hóa đọc với giảng dạy” tại Trường tiểu học Trần Văn Ơn (Q.11, TP.HCM), nhiều hoạt động phát triển văn hóa đọc tại Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý (TP.HCM), đổi mới hoạt động thư viện tại Trường THCS Tùng Thiện Vương (Q.8, TP.HCM)…

Sẽ kiến nghị thí điểm tiết đọc sách

Phát biểu tại tọa đàm, ông Từ Lương, phó giám đốc Sở Thông tin – truyền thông TP.HCM, cho biết sở này sẽ phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM tham mưu cho UBND TP.HCM tổ chức thí điểm các tiết đọc sách trong các trường công lập trên địa bàn TP.

Ngoài ra, ông Từ Lương cũng đề nghị Hội Xuất bản VN kết hợp với báo Tuổi Trẻ kiến nghị Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng nghiên cứu chủ trương xây dựng tiết đọc sách, giờ đọc sách chính thức áp dụng với các trường cấp I, cấp II trên cả nước.

Ông Lê Duy Tân – trưởng phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM – kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành phải đầu tư hơn nữa cho thư viện.

“Trước hết phải lo cho người thủ thư. Phải có chủ trương của Chính phủ về lương, thưởng, phụ cấp cho người thủ thư để trong 5, 10 năm nữa có nhiều cán bộ thư viện tốt, có thể sống tốt và yêu nghề”, ông nói.

“Đọc” không chỉ qua sách

docsach
Không gian với ánh sáng hợp lý cho người đọc sách tại Nhã Nam thư quán (Q.Bình Thạnh) – Ảnh: D.PHAN

Ông Giản Tư Trung (Viện trưởng Viện giáo dục IRED) chia sẻ: có một mối quan hệ chặt chẽ giữa sự đọc với sự học, đầy đủ hơn còn với sự làm và sự sống. 4 “sự” này không thể tách rời nhau. Sự đọc nếu đứng riêng khỏi sự học, sự làm và sự sống sẽ không có ý nghĩa gì cả. Do đó, bàn về sự đọc đồng nghĩa bàn về sự học.

VN là một nước hiếu học, nhưng phải thừa nhận rằng nước mình vẫn còn nghèo, đó là vì sao? Vì sự hiếu học của ta dường như là sự hiếu thi (học phục vụ thi cử – PV) chứ không phải học vì sự hiếu tri (ham hiểu biết – PV). Hình thành thói quen đọc sách là quan trọng.

Nhưng quan trọng hơn là hình thành lòng hiếu tri nguyên thủy ở trẻ, hình thành tình yêu thông thái ở trẻ, hình thành tình yêu minh triết ở trẻ. Bởi khi có chúng, trẻ sẽ tự đến với sách. Sự đọc phải gắn với đích của sự học, là giáo dục khai phóng, là trở thành con người tự do với nhân tính, quốc tính và cá tính. Tóm lại, sự đọc phải đến đích của sự học, xa hơn đích của sự sống, của sự lành.

Chia sẻ cùng ý kiến này, phụ huynh Lê Thị Minh Thảo nhắc đến việc tạo cơ hội cho con đọc sách hay tham khảo tài liệu mọi lúc mọi nơi. “Tôi rất ít khi giải đáp ngay những thắc mắc của con; tôi gợi ý để thắc mắc của con sẽ được “bác Google” giải đáp, đó là lúc con được chạm vào thiết bị công nghệ và cũng là cách tôi hướng cho con cách tự tra cứu thông tin vì tôi biết sẽ giúp ích cho con trong việc học của con sau này”.

Cô Nguyễn Thị Kim Nhung (nguyên cán bộ thư viện Phòng GD-ĐT Q.11, TP.HCM) thì cho rằng hiện có nhiều cách tiếp cận tri thức. Chẳng hạn thư viện trường học không chỉ có sách, ấn phẩm nghiên cứu, báo, ấn phẩm định kỳ và tài liệu tham khảo, không chỉ là tài liệu in mà còn phải bao gồm các phương tiện nghe nhìn, bản đồ, đĩa CD… Thậm chí, cho phép học sinh sử dụng máy tính có kết nối Internet để tìm tài liệu và đọc tài liệu trực tuyến.

Đọc sách không phải chỉ giới hạn trong sách, cho phép các em sử dụng các công cụ như Google và Wikipedia để tìm nguồn cung cấp thêm thông tin về những gì các em được học ở lớp. Điều này sẽ cho các em cảm giác tự tin và yêu thích việc đọc.

Cô Hoàng Thị Thu Hiền – trưởng ban dự án “Sách hay cho học sinh tiểu học” – cũng cho rằng bên cạnh sách giấy, hiện nay còn có sách điện tử và sách nói. Sử dụng sách nói vào buổi trưa và buổi tối là lựa chọn tối ưu cho những trường bán trú và nội trú. Sẽ giải quyết được mâu thuẫn buổi trưa hoặc tối đọc sách thì phải bật đèn, nhưng đèn sáng thì các em sẽ không ngủ được, chưa kể nằm cạnh nhau hay tranh giành. Sách nói chọn giọng đọc diễn cảm, nội dung nhẹ nhàng làm cho học sinh dễ thấm và dễ đi vào giấc ngủ. Sách nói cũng là lựa chọn tốt cho những buổi sinh hoạt theo chủ đề.

Cô PHẠM THỊ CHINH (hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Hòa B, Dĩ An, Bình Dương nêu 3 kiến nghị gửi bộ trưởng Bộ GD-ĐT

Thứ nhất, Bộ GD-ĐT nên có văn bản quy định bắt buộc hoạt động đọc sách trong nhà trường phổ thông. Hoạt động này phải diễn ra hằng ngày giống như một môn học chứ không chỉ một tuần một tiết.

Hiện nay việc tổ chức cho học sinh đọc sách chỉ tự phát của một số trường. Do đó, khi nhắc nhở giáo viên làm các hoạt động đọc sách, giáo viên sẽ nói: “Sao trường khác không làm mà trường mình phải làm?”. Thêm vào đó, quy định của Bộ GD-ĐT về đọc sách trong các cấp học sẽ giữ được tính liên tục. Hiện nay học sinh tiểu học của trường tôi được đọc sách nhưng lên cấp II không phải trường nào cũng có hoạt động này cho các em.

Thứ hai, Bộ GD-ĐT cần quy định cán bộ thư viện phải được bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ thường xuyên chứ không phải là người kiêm nhiệm. Hiện nay nhiều người làm thư viện không có chuyên môn, công việc thư viện không được coi trọng và làm cũng được, không làm cũng được. Trong khi đó, thư viện là nơi quan trọng cho việc thu thập thông tin của giáo viên, học sinh cho giảng dạy và học tập.

Thứ ba, Bộ GD-ĐT cần lập ra danh mục sách, tài liệu nhiều lĩnh vực, thể loại phù hợp với các độ tuổi cho học sinh. Nếu không có danh mục này sẽ khó cho học sinh, phụ huynh tìm các danh mục sách phù hợp để đọc.

Ông LÊ HOÀNG (phó chủ tịch Hội Xuất bản VN):

Cần xây dựng chương trình học có giờ đọc sách

Hầu hết các tham luận tại tọa đàm đều thống nhất kiến nghị Bộ GD-ĐT cần xây dựng chương trình học có tiết/giờ đọc sách chính thức áp dụng cho tất cả trường phổ thông trên cả nước.

Chúng tôi muốn qua cuộc tọa đàm này tạo ra sự nhận thức đúng của toàn xã hội từ các bậc phụ huynh, cho đến các cơ quan, đơn vị ngành văn hóa, giáo dục… về tầm quan trọng của sự phát triển văn hóa đọc để cùng nhau giúp cho trẻ hình thành thói quen đọc sách, giúp cho sự phát triển văn hóa đọc cho cộng đồng trong tương lai.

Chúng tôi sẽ tập hợp và kiến nghị với lãnh đạo UBND TP.HCM, Bộ GD-ĐT cũng như các cơ quan chức năng có những biện pháp tháo gỡ, khắc phục những tồn tại khó khăn hiện nay của ngành thư viện trường học; kiến nghị những cơ chế chính sách phù hợp tạo cho hoạt động văn hóa đọc trong nhà trường phát triển, với những biện pháp cụ thể như hình thành tiết đọc sách trong khung giờ giảng dạy chính thức của nhà trường, nhằm hình thành thói quen đọc sách của học sinh từ khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường.

Nguồn: TTO

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *