Chính phủ sẽ quyết định nơi đặt Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam
TTO – Có ý kiến đề nghị quy định Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam đặt tại trung tâm tài chính của đất nước, nhưng câu hỏi “hiện tại đâu là trung tâm tài chính của Việt Nam” lại đang khó trả lời.
Chiều 9-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Thường trực Ủy ban Kinh tế khẳng định vai trò chỉ đạo, chi phối của Nhà nước tại Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là rất cần thiết bởi những biến động về thị trường tại Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tiền tệ của quốc gia.
Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định “Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp”. Theo phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, lần này luật khẳng định Sở giao dịch là doanh nghiệp nhà nước cho rõ thôi, chứ bản thân nó đã là doanh nghiệp nhà nước rồi.
Đối với việc đặt Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam tại Hà Nội hay TP.HCM, trước đây từng có ý kiến đề nghị luật quy định “đặt tại trung tâm tài chính của Việt Nam”, nhưng câu hỏi được một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu lên là “hiện nay trung tâm tài chính của Việt Nam ở đâu” lại khó trả lời.
Do đó, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị giao Chính phủ quyết định nơi đặt Sở giao dịch này.
Về địa vị của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, báo cáo cho thấy đây là “cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán; trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; quản lý các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật”.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Chính phủ đề nghị lập thêm quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương (bên cạnh các quỹ đang được lập tại địa phương), lý do được bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải thích là do quỹ ở cấp tỉnh có một số vướng mắc trong hoạt động.
“Hiện cả nước có 61/63 tỉnh, TP lập quỹ này, thu được 2.500 tỉ đồng nhưng mới chi được 1.000 tỉ đồng, còn lại 1.500 tỉ đồng chưa chi được, do đó cần lập quỹ ở Trung ương để điều phối.
Hơn nữa, có một số tổ chức quốc tế viện trợ cho Việt Nam nhưng đang không có cơ quan đứng ra tiếp nhận, ví dụ UNDP tài trợ 16,2 triệu USD nhưng đang phải nhận bằng con đường ODA, dẫn đến mất thời gian 2 năm mới giải ngân được”, bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Đồng tình với sự cần thiết lập quỹ ở Trung ương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý phải quy định rõ nguyên tắc của việc điều phối, điều hoà sử dụng quỹ, tránh tình trạng chồng chéo, thiếu công bằng dẫn đến sự tâm tư giữa các địa phương.
Lê Kiên/TTO