Công tố viên Mỹ buộc tội giáo sư Trung Quốc đánh cắp công nghệ cho Huawei
TTO – Các công tố viên Mỹ buộc tội một giáo sư người Trung Quốc vì cho rằng ông đã đánh cắp công nghệ của một công ty tại California, làm lợi cho hãng thiết bị viễn thông Huawei.
Theo hãng tin Reuters, các cáo trạng tại tòa cho biết giáo sư Bo Mao bị bắt ngày 14-8 tại bang Texas, sau đó 6 ngày ông được tại ngoại sau khi nộp 100.000 USD và đồng ý sẽ tiếp tục phục vụ điều tra tại New York.
Trong phiên xử tại tòa Brooklyn ngày 28-8, ông Bo Mao bác bỏ tội danh bị cáo buộc là cấu kết để gian lận tài chính liên quan đến việc sử dụng viễn thông hoặc công nghệ thông tin (wire fraud).
Theo đơn kiện, ông Mao đã ký thỏa thuận với một hãng công nghệ (không nêu tên) tại California để nhận bảng mạch của công ty này vì mục đích nghiên cứu khoa học.
Đơn kiện cáo buộc một tập đoàn viễn thông Trung Quốc không xác định (mà các nguồn tin của Reuters nói đó là Huawei) đã cố tình đánh cắp công nghệ của họ. Nguyên đơn buộc tội giáo sư Mao đã tham gia vụ việc. Một tài liệu khác của tòa án cũng cho thấy vụ việc này có liên quan tới công ty Huawei.
Ông Mao là phó giáo sư tại ĐH Hạ Môn (Trung Quốc), cũng là giáo sư thỉnh giảng tại một ĐH ở bang Texas từ mùa thu năm ngoái.
Ông Mao từng liên quan trong một vụ kiện dân sự khác ở bang Texas giữa công ty Huawei và startup CNEX Labs ở thung lũng Silicon.
Tháng 12-2017, Huawei kiện công ty CNEX và một cựu nhân viên là ông Yiren Huang vì tội đánh cắp các bí mật thương mại. Ông Huang, một cựu quản lý kỹ thuật tại chi nhánh của Huawei ở Mỹ, đã giúp thành lập công ty CNEX năm 2013, chỉ 3 ngày sau khi rời công ty.
Là một phần của quá trình phản tố, công ty cho biết giáo sư Mao đã yêu cầu một trong số các bảng mạch của họ cho một dự án nghiên cứu, và sau khi công ty này gửi nó cho ông Mao, ông đã dùng nó cho một nghiên cứu gắn với công ty Huawei.
Tuy nhiên trong vụ kiện lần đó, phán quyết của tòa có thể coi như là hòa cho hai bên. Một mặt bồi thẩm đoàn không thấy CNEX đánh cắp bí mật thương mại, song một mặt đã quyết định ông Huang vi phạm hợp đồng lao động khi không thông báo với công ty về những quyền sáng chế ông này nhận được trong một năm rời đi.
Đỗ Dương/TTO