Hải sản ngoại độc, lạ, ‘đi máy bay’ về Việt Nam
TTO – Ngày càng có nhiều loại hải sản “độc, lạ” được nhập khẩu dưới dạng còn sống hoặc đông lạnh về phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Dù giá không hề rẻ nhưng nhiều người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền ra để thưởng thức những loại hải sản hiếm.
Không chỉ các loại thủy hải sản cao cấp với giá hàng triệu đồng mỗi ký, nhiều loại thủy hải sản bình dân cũng được nhập về các chợ đầu mối để bán quanh năm.
Ngoài sự “độc, lạ”, theo các nhà kinh doanh, nguồn cung thủy hải sản trong nước sụt giảm cũng là lý do khiến các sản phẩm thủy hải sản ngoại được nhập về ngày càng nhiều.
Thủy hải sản ngoại nhập đang rất được ưa chuộng và phổ biến, nhu cầu tiêu dùng lớn cộng với lượng thủy hải sản đổ về VN ngày càng nhiều khiến thủy hải sản nhập khẩu không còn quá đắt đỏ như trước, khách bình dân cũng có thể tiếp cận được.
Anh Võ Phước Hưng (đại diện một hệ thống cung cấp thủy hải sản sỉ và lẻ tại TP.HCM)
Hải sản ngoại “đi máy bay” về Việt Nam
Giám đốc một công ty chuyên cung cấp các sản phẩm hải sản nhập khẩu ở TP.HCM cho biết thị trường hải sản thời gian gần đây khá sôi động, nhất là khi xuất hiện nhiều loại hải sản nhập khẩu.
Các sản phẩm này đa dạng với giá cả lên tới hàng triệu đồng/kg nhưng vẫn rất hút khách như cua hoàng đế xuất xứ Na Uy và Hàn Quốc giá bán sỉ 1,7-1,8 triệu đồng/kg, bán lẻ 2-2,1 triệu đồng/kg; bào ngư Hàn Quốc 1.490.000 đồng/kg; tôm hùm Canada 1.250.000 đồng/kg; sò điệp Hokkaido 780.000 đồng/kg…
Các loại có giá rẻ hơn như cá bơn Hàn Quốc 980.000 đồng/kg, bào ngư Hàn Quốc 900.000 đồng/kg, cá hồi Na Uy 400.000 đồng/kg… thậm chí càng hút khách hơn. Vị giám đốc này cho biết lượng bán ra của đơn vị tăng khoảng 15% so với năm ngoái, trong đó các mặt hàng cá bơn Hàn Quốc, bào ngư tiêu thụ mạnh nên nhập về liên tục.
Tại nhiều thời điểm, chỉ riêng đơn vị này đã tiêu thụ hơn 2 tấn cua hoàng đế mỗi tháng. Tuy nhiên, do được đánh bắt tự nhiên từ vùng biển lạnh giá của Na Uy, Hàn Quốc đang bị giảm sản lượng nên loại cua hoàng đế này đang trong tình trạng “cháy hàng”.
Ghi nhận ở các vựa thủy hải sản tại TP.HCM, thủy hải sản ngoại nhập chiếm 30-50% tổng lượng hàng và được bày bán đa dạng dưới hình thức tươi sống và đông lạnh, phổ biến nhất là: cua hoàng đế nhập từ Mỹ giá 2,1 triệu đồng/kg, ốc vòi voi Mexico 1,9 triệu đồng/kg, tôm hùm Alaska (Mỹ) 1,1 triệu đồng/kg…
Ngoài ra còn có bào ngư Hàn Quốc, sò điệp Hokkaido, cá bơn vàng Nhật Bản… giá từ 800.000-2 triệu đồng/kg. Nhiều nơi còn cung cấp các sản phẩm đông lạnh như chân cua tuyết Canada giá 600.000 đồng/kg, vẹm xanh New Zealand giá 300.000 đồng/kg…
Bên cạnh hải sản đông lạnh, một số nhà cung cấp còn nhập khẩu hải sản còn sống từ nước ngoài về cung cấp cho các nhà hàng chuyên hải sản tươi sống. Theo đó, hải sản sau đánh bắt còn sống sẽ đưa vào gây mê rồi vận chuyển về Việt Nam bằng đường hàng không.
Các đơn vị kinh doanh cho biết có khoảng 10 mặt hàng được nhập khẩu thường xuyên từ các nước như Mỹ, New Zealand, Hàn Quốc, Na Uy…, trong đó phổ biến nhất là tôm các loại, cá bơn, bào ngư…
Theo Công ty La Maison (TP.HCM), do nhu cầu cao nên đơn vị này nhập hàng bán quanh năm các loại hải sản ngoại nhập. Trong đó, phổ biến nhất là philê cá hồi tươi Na Uy 610.000 đồng/kg, philê cá ngừ đại dương xuất xứ Indonesia giá hơn 600.000 đồng/kg, vẹm xanh nửa vỏ New Zealand 288.000 đồng/kg… Nhiều thời điểm thị trường có nhu cầu cao (như cá tuyết trắng New Zealand, cua Hanasaki…) nên cũng xảy ra tình trạng hụt hàng.
Giá ngày càng “mềm” hơn
Theo một đơn vị chuyên cung cấp sỉ mặt hàng này tại TP.HCM, do hải sản đánh bắt tại biển Việt Nam ngày càng giảm trong khi nhu cầu người Việt tăng lên cả về số lượng lẫn chủng loại nên lượng nhập về ngày một nhiều. Theo đó, giá cả hải sản nhập khẩu cũng có xu hướng giảm chứ không “mắc trên trời” như trước.
Nếu như trước đây các loại hải sản “độc, lạ” chủ yếu được nhập về theo kênh xách tay hoặc số lượng nhỏ chuyên cho một số nhà hàng đặc biệt thì nay đã được nhập khẩu chính ngạch số lượng lớn.
Theo một số đại lý hải sản, giá thủy hải sản nhập khẩu hiện giảm từ 20-30% so với thời điểm nửa năm trước. Chẳng hạn, trước đây ốc vòi voi xách tay từ Mexico, Mỹ về bán ra giá khoảng 1,4 triệu đồng/kg nhưng nay nhiều đơn vị bán sỉ chỉ 500.000-900.000 đồng/kg tùy loại, nhiều loại khác cũng rẻ hơn các năm trước.
“Thủy hải sản ngoại nhập đang rất được ưa chuộng và phổ biến, nhu cầu tiêu dùng lớn cộng với lượng thủy hải sản đổ về VN ngày càng nhiều khiến thủy hải sản nhập khẩu không còn quá đắt đỏ như trước, khách bình dân cũng có thể tiếp cận được” – anh Võ Phước Hưng, đại diện một hệ thống cung cấp thủy hải sản sỉ và lẻ tại TP.HCM, cho biết.
Còn anh Hải, chủ vựa hải sản ở Q.Tân Bình, cho hay không chỉ phân phối cho các nhà hàng cao cấp, gần đây nhiều nhà hàng, quán ăn tầm trung cũng đến đặt vấn đề muốn kinh doanh thêm tôm, cua Mỹ, Canada… Mỗi tháng cửa hàng tiêu thụ gần nửa tấn thủy hải sản nhập khẩu các loại.
Bên cạnh mặt hàng cao cấp ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, các loại hải sản bình dân hơn cũng được nhập khẩu về nhiều do nhu cầu của người tiêu dùng cũng tăng lên theo thời gian.
Theo chợ đầu mối Bình Điền (Q.8, TP.HCM), lượng hải sản ngoại nhập về chợ trung bình 5-7 loại với sản lượng khoảng 80 tấn mỗi đêm. Chiếm phần lớn trong đó là các chủng loại như cá nục bông giá bán ra 31.000-36.000 đồng/kg, đầu cá hồi Na Uy 35.000-40.000 đồng/kg, cá cam Nhật Bản 55.000-62.000 đồng/kg, mực ống và mực lá Đài Loan 80.000-100.000 đồng/kg, cá hồi 210.000-220.000 đồng/kg, cá thu đao 33.000-38.000 đồng/kg…
Theo đơn vị này, lượng hàng nhập khẩu về hầu hết dưới dạng đông lạnh và nhập về quanh năm với lượng ổn định, trường hợp nguồn hải sản trong nước giảm, các nhà cung cấp sẽ tăng cường nhập khẩu để thay thế nên giá cả tương đối ổn định.
Việt Nam nhập trên 1,7 tỉ USD thủy sản
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), trong năm 2018 Việt Nam đã nhập khẩu 1,72 tỉ USD các mặt hàng thủy hải sản, tăng gần 20% so với năm 2017. Các thị trường cung cấp thủy hải sản cho VN nhiều nhất gồm Ấn Độ, Na Uy, Nhật Bản, Trung Quốc… Tuy nhiên, không phải tất cả hải sản nhập khẩu đều được tiêu thụ trong nước, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu các sản phẩm như tôm, cá ngừ… để chế biến và xuất khẩu.
Một lãnh đạo Chi cục Thú y vùng VI (Bộ NN&PTNT) cho biết các loại thủy hải sản nhập khẩu về VN đều thuộc đối tượng kiểm dịch, nhưng nguồn nhập khẩu chủ yếu từ các nước có vùng biển lạnh nên nguy cơ về dịch hại không cao. Để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, cơ quan chức năng chỉ kiểm tra lâm sàng, trường hợp thấy dấu hiệu bất thường mới lấy mẫu kiểm tra. Do đó, thủ tục kiểm tra hải sản nhập khẩu giảm chỉ còn trong vòng một ngày so với 2-3 ngày như trước.
Vẫn có nhiều rủi ro
Theo các nhà kinh doanh thủy hải sản ngoại, việc nhập khẩu các sản phẩm này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà nhập khẩu. Chẳng hạn, hàng nhập bằng đường hàng không nhằm đảm bảo thủy hải sản còn sống, chất lượng tốt khi về Việt Nam, nhưng nhiều trường hợp máy bay bị delay hoặc điều kiện bảo quản không đảm bảo nên chất lượng sản phẩm không như kỳ vọng.
Chưa kể hải sản nhập về bị kiểm tra chặt để đảm bảo không có những sinh vật ngoại lai gây hại, thời gian kéo dài nên rủi ro sản phẩm bị chết cũng tăng cao. Nếu thủy sản bị chết trong quá trình vận chuyển, giá bán chỉ còn một nửa nên nhà nhập khẩu sẽ lỗ nặng.