Chủ tịch Ngân hàng Thế giới: COVID-19 đẩy nhiều nước nghèo tới ngưỡng phá sản
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho biết đại dịch COVID-19 tạo ra hậu quả bi thảm trong quá trình phát triển của toàn cầu, đẩy nợ ở các nước nghèo lên mức kỷ lục.
Chủ tịch WB cảnh báo, virus SARS-CoV-2 đã làm gia tăng khoảng cách giữa các quốc gia giàu và nghèo, đẩy lùi tiến độ phát triển của các nước nghèo trong nhiều năm. Thậm chí, một số quốc gia bị kéo lùi sự phát triển lên đến hàng thập kỷ.
Số liệu mới công bố của WB cho thấy gánh nặng nợ của hơn 70 quốc gia có thu nhập thấp đã tăng kỷ lục 12%, lên 860 tỉ USD vào năm 2020.
Ông Malpass kêu gọi các nước giàu cần có một kế hoạch toàn diện để giảm bớt áp lực nợ và cung cấp vắc xin ngừa COVID-19 cho những quốc gia nghèo hơn.
Các quốc gia giàu có phải chia sẻ nhiều tài nguyên hơn, nếu không sẽ diễn ra nguy cơ khủng hoảng cuộc sống của hàng tỉ người trên thế giới, người đứng đầu WB cảnh báo.
Ông Malpass nêu một vấn đề cụ thể là thiếu quy trình phá sản cấp quốc gia để giúp đỡ các nước nghèo trong trường hợp họ có những khoản nợ xấu. Theo hệ thống tài chính hiện tại, các công ty có thể tự tuyên bố phá sản nhưng các quốc gia thì không.
Với thu nhập bình quân đầu người dự kiến tăng trung bình 5% ở các nước phát triển trong năm 2021 so với 0,5% ở các nước đang phát triển, ông Malpass cho biết vấn đề bất bình đẳng đang trở nên tồi tệ hơn.
“Chúng tôi cần một cách tiếp cận toàn diện đối với vấn đề nợ, bao gồm giảm nợ, tái cơ cấu nhanh hơn và cải thiện tính minh bạch. Mức nợ có khả năng chi trả rất quan trọng để phục hồi kinh tế và xóa đói giảm nghèo” – ông khẳng định.
Để giảm bớt áp lực tài chính đối với các nước nghèo nhất, trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra sáng kiến: Nhóm các nước thị trường mới nổi và phát triển lớn G20 đồng ý cho các nước nghèo hoãn trả nợ cho đến cuối năm 2021. Tuy nhiên, điều này chỉ mang ý nghĩa tạm ngừng thanh toán nợ.
“Rủi ro bây giờ là có quá nhiều quốc gia sẽ xuất hiện với một khoản nợ lớn mà có thể mất nhiều năm để xoay xở trả nợ” – ông Malpass cảnh báo.
Báo cáo lưu ý, vào năm 2020, hơn một nửa số quốc gia nghèo (56%) có tỉ lệ nợ trên 60% tổng thu nhập quốc dân (GNI). Trong khi có 7% số quốc gia nghèo có tỉ lệ nợ 100% trên GNI.
Báo cáo được đưa ra trước cuộc họp thường niên của WB tại Washington trong tuần này và trong bối cảnh một số ngân hàng trung ương – bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Anh – đang xem xét hành động để chống lại lạm phát gia tăng.
Theo Tuổi Trẻ