Tập trung cải cách hành chính, chống gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra vào sáng ngày 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung cải cách hành chính, chống gây phiền hà, sách nhiễu DN; tiếp thu những phản ánh, kiến nghị của DN để tiếp tục xử lý theo thẩm quyền trên quan điểm “lợi ích thì hài hòa; rủi ro thì chia sẻ”.
Doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn
Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cho biết: Trước thềm hội nghị, VCCI đã nhận được 357 trang báo cáo, kiến nghị đến từ 132 hiệp hội DN, bao gồm các hiệp hội trong nước, các hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài, Liên minh hợp tác xã và DN cả nước. Trên cơ sở đó, VCCI nghiên cứu, tổng hợp, xây dựng báo cáo dày 52 trang, với phụ lục tổng hợp 192 ý kiến cụ thể, gửi tới đại biểu tham dự hội nghị.
Báo cáo của VCCI cho thấy, bức tranh chung của cộng đồng DN đang có sự suy giảm mạnh về quy mô hoạt động và sự gia tăng mức độ ảnh hưởng đến toàn bộ các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Theo đó, 8 tháng đầu năm 2021, đã có trên 85 nghìn DN (tương đương trên 10% số DN cả nước) rút lui khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng trên 10 nghìn DN, tăng hơn 24% so với cùng kỳ 2020.
Từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 tới nay, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc gặp với cộng đồng DN trong nước và đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, trên cơ sở kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp DN vào ngày 8/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Cho đến nay, các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN được quy định tại Nghị quyết 105/NQ-CP đã được cộng đồng DN trong và ngoài nước đánh giá ca. Về cơ bản, những vấn đề khó khăn mà DN đang phải đối mặt đã và đang được xem xét, giải quyết. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ được giao và cơ bản hoàn thành đúng tiến độ theo quy định.
Cụ thể, Bộ Y tế đang xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội DN về dự thảo Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế-xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, trong đó đề xuất các tiêu chí, lộ trình cụ thể, các biện pháp về y tế, hành chính về phòng, chống dịch và triển khai các hoạt động kinh tế-xã hội đảm bảo an toàn. Dự kiến ban hành trong tháng 9/2021.
Bộ Công Thương đã trực tiếp và hỗ trợ các địa phương trên cả nước, hiệp hội ngành hàng tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung-cầu, hội nghị triển lãm trên môi trường số. Bên cạnh đó, tổ chức các hội chợ triển lãm quốc tế trực tuyến tại Việt Nam, lựa chọn các hội chợ triển lãm chuyên ngành có uy tín tại các thị trường tiềm năng để tổ chức, hỗ trợ cho DN tham gia gian hàng trực tuyến hoặc gian hàng từ xa; chú trọng việc đẩy mạnh xúc tiến phân phối hàng hóa của DN Việt trên nền tảng trực tuyến; chỉ đạo, hướng dẫn các sàn thương mại điện tử hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thương nhân kinh doanh nông sản phát triển kênh tiêu thụ mới cho hàng nông sản nói chung và vải thiều nói riêng trên các sàn thương mại điện tử…
Báo cáo khảo sát của VCCI cũng cho biết, 91,5% DN được khảo sát đã biết đến Nghị quyết 105/NQ-CP; 81% DN cho biết các chính sách tại Nghị quyết 105 là kịp thời; 89% nhận thấy mục tiêu của Nghị quyết 105 phù hợp và 81,4% cho biết các nhiệm vụ giải pháp tại Nghị quyết sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN, hợp tác xã hiệu quả.
Chính phủ và Quốc hội đồng hành cùng doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN thời gian qua đã được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao, góp phần giảm bớt những khó khăn mà DN đang phải gánh chịu, giúp DN duy trì, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, qua theo dõi và tổng hợp các kiến nghị phản ánh của cộng đồng DN cho thấy, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN. Việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ.
Một số ý kiến tại hội nghị cũng cho biết, tỷ lệ DN tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp. Đặc biệt, vấn đề các DN tiếp tục kiến nghị nhiều nhất là việc khẩn trương có hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương, giúp DN có thể chủ động phương án sản xuất, kinh doanh.
Để tháo gỡ khó khăn cho cộng DN, nhiều ý kiến đưa ra tại hội nghị đều cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 105/NQ-CP, để phát huy đồng bộ nguồn lực của nhà nước và DN. Cùng với đó, khẩn trương rà soát, sửa đổi điều kiện, quy trình, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước; đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ DN chuyển đổi số.
Trước những đề xuất, kiến nghị của hiệp hội, DN, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đang cùng Quốc hội cố gắng đồng hành với DN, trên tinh thần “3 không và 5 thật”. Trong đó, “3 không” là “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”; “5 thật” là “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và DN được thụ hưởng thành quả thật”. Trên cơ sở đó, các bộ ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động xử lý, trên tinh thần áp dụng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình cụ thể.
Theo Công Thương