Thế giới cần vắc xin để dập biến chủng Delta
Tính đến tháng 6-2021, biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 đã xuất hiện ở khoảng 80 quốc gia và lây lan với tốc độ báo động. Biến chủng này đang đe dọa những người chưa tiêm vắc xin.
Theo đài Euronews, chính quyền Bồ Đào Nha mới đây đã xác nhận đợt bùng dịch COVID-19 khác thường ở khu vực thủ đô Lisbon là do biến chủng Delta (B.1.617.2) ghi nhận lần đầu ở Ấn Độ gây ra.
Viện Sức khỏe quốc gia Bồ Đào Nha ước tính chủng Delta đã chiếm đến 60% số ca nhiễm mới chỉ trong thời gian ngắn.
Hàng loạt quốc gia báo động
Như vậy, danh sách các quốc gia bị Delta tấn công ngày càng dài ra, thậm chí những nước có tỉ lệ tiêm chủng tốt như Anh, Mỹ cũng không thoát. Điều gì chờ đợi nhân loại phía trước?
Tại Mỹ, các quan chức y tế đang gióng chuông cảnh báo rằng khoảng thời gian “vàng” để tăng tỉ lệ tiêm vắc xin (vaccine) ngừa COVID-19 trước khi biến chủng Delta xâm chiếm hoàn toàn đang cạn dần. Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh (CDC) ước tính Delta đã chiếm 10% ca nhiễm mới ở Mỹ và sẽ trở nên phổ biến nhất chỉ trong vài tuần nữa.
Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục kêu gọi người dân đi tiêm ngừa càng sớm càng tốt.
“Cho dù chúng ta có những bước tiến lớn, COVID-19 vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng và chết người. So với một tháng trước, biến chủng Delta càng khiến những ai chưa tiêm ngừa dễ bị tổn thương hơn” – ông Biden nhấn mạnh.
Người Mỹ có lý do để lo lắng. Nhìn sang Anh, một nước có tỉ lệ tiêm ngừa tốt, chủng Delta đã đặt dấu chấm hết cho kế hoạch tái mở cửa vào ngày 21-6. Thủ tướng Boris Johnson thông báo kéo dài lệnh phong tỏa thêm 4 tuần, đến ngày 19-7, với nhận định “chờ đợi thêm ít lâu nữa sẽ hợp lý hơn”.
Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE) cho biết số ca bệnh đã tăng 79% chỉ trong một tuần, trong khi số ca nhập viện tăng gần gấp đôi. Chủng Delta được phát hiện ở Anh lần đầu hồi tháng 3, chỉ trong chưa đầy 3 tháng đã chiếm đến 99% số ca nhiễm.
“Ca nhiễm đang tăng trên khắp cả nước và chủng virus chính là Delta. Người bệnh chủ yếu nằm trong các nhóm tuổi trẻ hơn (những đợt trước), đa số họ chưa được tiêm ngừa” – bác sĩ Jenny Harries thuộc Cơ quan An ninh sức khỏe Anh cho hay.
Anh và Mỹ là ví dụ tiêu biểu cho những nước có tỉ lệ tiêm ngừa cao, dùng vắc xin hiệu quả cao nhưng cũng chưa thoát khỏi dịch.
Tình hình ở các nước có độ phủ vắc xin thấp càng bi đát hơn, chẳng hạn thủ đô Matxcơva của Nga đang bị nhấn chìm bởi sóng COVID-19 thứ ba do chủng Delta, theo lời thị trưởng Sergei Sobyanin thì “mọi thứ xấu đi nhanh chóng”.
Vắc xin tạm thời còn hiệu quả
Biến chủng Delta (B.1.617.2) được ghi nhận lần đầu ở Ấn Độ vào tháng 12-2020, là 1 trong 3 nhánh của chủng B.1.617. Sự xuất hiện của nó đã làm đảo lộn hết mọi kế hoạch thoát khỏi đại dịch của thế giới.
Theo tạp chí New Atlas, khoa học chưa hiểu tường tận về Delta, lý do tại sao nó dễ lây hơn các chủng virus cũ. Đầu năm 2021, khi chủng Alpha (phát hiện lần đầu ở Anh) lan khắp thế giới, các nhà nghiên cứu ước tính nó dễ lây hơn chủng gốc của SARS-CoV-2 từ 40-70%, còn bây giờ Delta vượt trội hơn chính Alpha ít nhất 40%.
“Các bằng chứng sớm từ Anh và Scotland gợi ý người nhiễm Delta có nguy cơ nhập viện cao hơn so với Alpha. Ở một số khu vực, có dấu hiệu cho thấy số người nhập viện gia tăng nhưng xu hướng chung toàn quốc thì chưa rõ” – báo cáo của PHE đánh giá.
Các nghiên cứu sơ bộ ghi nhận một số loại vắc xin COVID-19 đang lưu hành giảm hiệu quả trước chủng Delta nhưng vẫn còn khả năng bảo vệ, có điều cần thiết phải tiêm đủ 2 liều.
Nghiên cứu trên 14.000 người của PHE ghi nhận 2 liều Pfizer ngăn được 96% nguy cơ nhập viện nếu nhiễm Delta, còn AstraZeneca ngăn được 92% (nhập viện). Nhưng nếu nói riêng về hiệu quả bảo vệ khỏi bệnh thì Pfizer tốt hơn AstraZeneca, với tỉ lệ lần lượt là 88% và 60% (với chủng Delta).
Hiện có lẽ còn sớm để hiểu hết tác động của chủng Delta, nhưng các nhà nghiên cứu lưu ý nó có thể thay đổi bản chất của toàn bộ đại dịch.
Nhà dịch tễ học Tony Blakely từ Đại học Melbourne nhận định: “Delta thay đổi hoàn toàn cuộc chơi. Tiêm chủng càng trở nên quan trọng hơn, không chỉ để bảo vệ người dân khỏi tử vong và bệnh nặng, mà còn để nâng cao miễn dịch cộng đồng và giảm thiểu lây nhiễm”.
Theo Tuổi Trẻ