Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chống cạnh tranh giữa tư nhân và Nhà nước trong việc mua vắc xin
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các ngành đẩy mạnh các giải pháp, mua vắc xin nhanh nhất, nhiều nhất có thể; chống cạnh tranh giữa tư nhân và Nhà nước; tiếp cận một cách bình đẳng; chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm sinh phẩm, vắc xin.
Chiều 21-6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Dự hội nghị tại đầu cầu Chính phủ có Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, các Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan. Tham dự tại điểm cầu các địa phương đang có dịch COVID-19 và địa phương có khu công nghiệp, khu chế xuất lớn là các bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố…
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo; có thể bùng phát bất cứ nơi nào, lúc nào, không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác và cần rút kinh nghiệm trong phòng, chống dịch để điều chỉnh cách làm, cách tiếp cận, phù hợp với tình hình mới.
Theo Thủ tướng, kết quả đạt được trong phòng, chống dịch rất tích cực. Chính phủ biểu dương một số bộ, ngành, địa phương như Bộ Y tế, thành phố Hà Nội, các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang và đặc biệt là TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống dịch nên tình hình có chiều hướng tốt, cần tiếp tục bảo vệ và phát huy thành quả.
Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương xác định rõ mục tiêu là ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi đợt bùng phát thứ 4 của dịch COVID-19, nhanh chóng ổn định tình hình, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường, phục vụ mục tiêu kép, ngăn dịch để ổn định sản xuất kinh doanh, với phương châm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết, trước hết; trong đó tập trung hỗ trợ TP.HCM, hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, nhất là tại các khu công nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện công thức “5K + vắc xin”, tiếp tục hoàn thiện ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi vào phòng, chống dịch COVID-19; phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, sớm ổn định tình hình; bao vây, phong tỏa diện hẹp, giãn cách diện rộng; không quá máy móc về đơn vị hành chính mà căn cứ vào tình hình dịch bệnh để thực hiện phong tỏa, cách ly, giãn cách linh hoạt và chỉ ở cơ sở; xét nghiệm nhanh, xét nghiệm sớm là chìa khóa dập dịch thành công…
Về thực hiện “Chiến lược vắc xin”, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các ngành đẩy mạnh các giải pháp, mua vắc xin nhanh nhất, nhiều nhất có thể; chống cạnh tranh giữa tư nhân và Nhà nước; tiếp cận một cách bình đẳng; chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm sinh phẩm, vắc xin.
Về những khó khăn, vướng mắc trong phòng, chống dịch, Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp tháo gỡ khó khăn với tinh thần “3 không”: không nói không có cơ chế chính sách, hành lang pháp lý; không được nói không có kinh phí (dù khó khăn, phải kêu gọi hỗ trợ nhưng phải dành nguồn lực để chống dịch); không nói không có sinh phẩm thiết bị.
Đồng thời cần rút kinh nghiệm, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để việc phòng, chống dịch được phù hợp với tình hình và đạt hiệu quả hơn như: xây dựng các quy định về mua vắc xin; quy định chống dịch trong các khu công nghiệp, các cơ sở y tế, các khu cách ly; tiêu chuẩn, quy định thí điểm cách ly tại nhà; cơ chế xã hội hóa xét nghiệm…
Đối với hoạt động của doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính trong phòng, chống dịch; có chính sách khả thi, phù hợp tình hình, đối tượng dễ tiếp cận nhất, có hiệu quả nhất để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện trong khuôn khổ pháp lý giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao các bộ, ngành và các địa phương xây dựng các phương án, kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 đảm bảo an toàn, đúng luật, hiệu quả, song giảm tối đa sự phiền hà cho học sinh, phụ huynh.
Theo Tuổi Trẻ