90% doanh nghiệp du lịch tại TP.HCM đã ngưng hoạt động
Sở Du lịch TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP trước bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19.
Lữ hành quốc tế, nội địa đều chết
Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, hiện nay, có đến 90% doanh nghiệp (DN) lữ hành vừa và nhỏ, DN lữ hành chuyên kinh doanh thị trường inbound đã tạm ngưng hoạt động. Từ ngày 1.1.2020 – 3.3.2021, có tổng cộng 152 DN kinh doanh lữ hành rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành (trong đó có 135 DN kinh doanh lữ hành quốc tế và 17 DN kinh doanh lữ hành nội địa). Một số DN lớn vốn tư nhân chỉ bố trí nhân sự trực tại công ty, DN vốn nhà nước cũng hoạt động cầm chừng, một số DN dựa trên nguồn vốn dự phòng còn lại để hoạt động.
Lượng khách du lịch giảm mạnh dẫn đến công suất phòng lưu trú giảm, giá phòng giảm, doanh thu không ổn định để duy trì, bù đắp chi phí vận hành, rất nhiều đơn vị đã cắt giảm nhân sự hoặc đóng cửa, tạm ngưng hoạt động. Trên địa bàn thành phố đã có hơn 50% cơ sở lưu trú hạng 3 sao/tương đương tạm ngưng hoạt động, các cơ sở lưu trú hạng 4 sao và 5 sao/tương đương hoạt động cầm chừng; doanh thu lưu trú giảm 70% so với năm 2019, doanh thu hoạt động ăn uống giảm 80%, doanh thu các hoạt động dịch vụ khác giảm 68%, lượng lao động giảm 35% so với 2019.
Các đơn vị vận tải khách du lịch cũng không đứng ngoài “vòng xoáy chết chóc của dịch bệnh”. Trong thời gian cao điểm dịch bệnh, các đơn vị vận chuyển du lịch gần như ngưng hoạt động hoàn toàn. Từ tháng 5.2020 đến nay, các đơn vị vận chuyển du lịch bắt đầu mở cửa phục vụ nhu cầu của người dân nhưng không đủ lượng khách để duy trì hoạt động. Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, tình hình kinh doanh của các đơn vị vận chuyển giảm từ 60 – 80%. Hiện nay, nhằm duy trì hoạt động, các đơn vị vận tải khách du lịch buộc phải bán bớt phương tiện vận chuyển để trả nợ ngân hàng, chi phí bảo dưỡng, kiểm định, lương tài xế…; một số đơn vị chuyển đổi hình thức hoạt động vận chuyển công nhân cho các xí nghiệp, nhà máy, công ty, đối tượng đi cách ly duy trì hoạt động trong giai đoạn hiện nay.
Đề xuất cho DN du lịch vay tín chấp, lãi suất 0%
Trước thực trạng trên, Sở Du lịch TP.HCM đề xuất UBND TP kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021 để giúp giảm giá thành sản phẩm và các gói dịch vụ du lịch, kích cầu du lịch, hỗ trợ DN giải quyết khó khăn về nhu cầu vốn lưu động; Kéo dài chính sách giảm 15% tiền thuê đất đối với các DN du lịch trong năm 2021; Tiếp tục gia hạn giảm phí thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết năm 2021.Song song, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét cho phép kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí và tử tuất, lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các DN và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà không tính lãi phạt chậm nộp. Đồng thời, xem xét điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 theo hướng giảm yêu cầu thời gian làm việc tối thiểu từ 12 tháng xuống còn 3 tháng, tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ bằng 60% lên đến 80% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm tự nguyện.
Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho phép DN lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ của DN để giúp tạo dòng tiền vào cho DN duy trì hoạt động và có nguồn tiền làm vốn lưu động.Về phía thành phố, Sở Du lịch TPHCM đề xuất UBND TP xem xét trình HĐND chấp thuận chủ trương sử dụng vốn ngân sách thành phố ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội – Chi nhánh TP.HCM thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng theo hình thức tín chấp (không cần tài sản thế chấp) với lãi suất vay 0% cho DN du lịch (không phân biệt DN du lịch lớn, nhỏ) gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để trả lương cho người lao động. TP.HCM hiện có 5.002 DN du lịch đang hoạt động với khoảng 31.500 lao động. Với gói vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động của UBND TP cho các DN đang hoạt động, số tiền dự kiến hỗ trợ gần 209 đồng. Thời gian thực hiện là 3 tháng.Lãnh đạo ngành du lịch TP.HCM cũng đề nghị UBND TPHCM trình HĐND TP chính sách hỗ trợ cho các điểm tham quan du lịch, nhóm bảo tàng, khu di tích là đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và hỗ trợ kích cầu du lịch TP.HCM năm 2021 sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.Cụ thể, miễn phí vào 5 điểm tham quan cho khách du lịch vào mùa du lịch cuối năm (từ tháng 8 đến hết năm 2021) tại các địa điểm tham quan là đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố (Bảo tàng Chứng tích chiến tranh; Bảo tàng Lịch sử TP; Bảo tàng TP; Bảo tàng Mỹ thuật TP; Khu di tích Lịch sử địa đạo Củ Chi). Hỗ trợ kinh phí chi trả lương cho các đối tượng là người lao động và chi phí thường xuyên chi từ nguồn thu vé tham quan tại 5 đơn vị này. Tổng chi phí các khoản này là 21,705 tỉ đồng. Thời gian thực hiện trong 5 tháng.Sở Du lịch TPHCM mong muốn UBND TP.HCM triển khai ưu tiên tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 cho lực lượng lao động trong ngành du lịch. Thúc đẩy nâng tỷ lệ tiêm phòng cho nhân dân trên địa bàn TP để sớm mở cửa ngành du lịch.
Theo Thanh Niên