Doanh nghiệp cần được “trợ sức” để chống lại Covid-19
Không chỉ thiếu lao động, nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cho biết họ tốn kém rất nhiều chi phí vì phải xét nghiệm Covid-19 thường xuyên cho người lao động.
Cũng chung nỗi niềm trên, đại diện một doanh nghiệp nước ngoài tại Khu công nghiệp Quế Võ, huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) – cho biết: Nhiều công nhân sợ quay lại nhà máy làm việc sau khi công ty xuất hiện các ca F0. Vì thế, dù đã qua 2 tuần cách ly nhưng nhiều công nhân vẫn sợ, chưa đăng ký chính xác ngày quay lại công ty làm việc. Điều này khiến việc sản xuất của công ty sắp tới có thể bị đình trệ, nhiều hợp đồng đã ký với đối tác khó được thực hiện đúng thời hạn.
Đại diện Công ty Fuyu thuộc Tập đoàn Foxconn, Đài Loan (Trung Quốc) – cho biết: Mỗi tuần công ty đều xét nghiệm cho tất cả cán bộ, công nhân viên đang làm việc tại nhà máy (đã tiến hành được 3 lần). Trong khi đó, hiện công ty có khoảng 3.000 công nhân đang làm việc cho 3 nhà máy của Foxconn ở các khu công nghiệp tại 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Trong khi đó, trước thời điểm dịch vùng phát, các nhà máy của doanh nghiệp này có tới 12.000 công nhân làm việc.
Bên cạnh vấn đề thiếu nhân lực, lãnh đạo Công ty Pan Pacific tại Bắc Giang cũng cho biết, họ gặp khó khăn về kinh phí xét nghiệm khi doanh nghiệp phải tự trả phí là 235.000 đồng/người/ lần xét nghiệm. Theo đó, nếu việc xét nghiệm 1 tuần/ lần cho vài ngàn lao động thì công ty sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể đảm đương được.
Kiểm soát dịch bệnh và gỡ khó cho doanh nghiệp
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng ưu tiên kiểm soát dịch bệnh là vấn đề cần được đặt lên hàng đầu, vì kiểm soát được dịch bệnh thì doanh nghiệp mới yên tâm sản xuất. Theo đó, cần có cơ chế ưu tiên tiêm vắc-xin cho các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tình hình doanh nghiệp vào đầu năm 2021 cho thấy, khó khăn của doanh nghiệp hiện vẫn là thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguyên liệu đầu vào và vấn đề lao động chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề tài chính. Song Nghị định 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021 mới chỉ tập trung vào vấn đề tài chính.
Theo đó, ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – cho rằng, cần xem xét có thêm những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí phòng, chống dịch Covid-19, xem xét miễn thuế VAT cho các vật tư phòng, chống dịch. Đặc biệt, chính quyền địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp cần chủ động, tích cực trong phát triển thị trường thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, Chính phủ cần xem xét ban hành chỉ thị tạm thời dừng ban hành các quy định có thể làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp, yêu cầu thực hiện nhanh việc rà soát các quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đơn cử như với kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) về các mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh áp dụng đối với các lô hàng xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, chuyển khẩu tại tất cả các cảng biển ở TP. Hồ Chí Minh đang tạo ra nhiều bất hợp lý, đề nghị xem xét không thu các loại phí đã nêu trong bối cảnh kinh tế đang gặp khó khăn do Covid-19, ít nhất là cho đến ngày 31/12/2021, đồng thời, điều chỉnh giảm các khoản thu nói trên.
Theo Công Thương