Đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho lao động ngành sản xuất

Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ đề nghị được xếp vào nhóm ưu tiên tiêm vaccine do thuộc khu vực nguy cơ nhiễm Covid-19 cao.

Đề nghị này được Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) nêu trong văn bản gửi Chính phủ và các bộ, ngành, ngày 20/5.

Theo Chủ tịch VASI Lê Dương Quang, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sẵn sàng trả chi phí tiêm vaccine cho người lao động nếu Chính phủ có chủ trương xã hội hóa, để việc tiêm vaccine được triển khai sớm, hiệu quả.

“Nguyện vọng lớn nhất của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ lúc này là Chính phủ đẩy nhanh triển khai tiêm vaccine và ưu tiên cho người lao động tại các doanh nghiệp sản xuất”, ông nói.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hoạt động tại các khu công nghiệp luôn thường trực nguy cơ lây lan dịch bệnh, đe doạ gián đoạn sản xuất và gây tổn hại lớn đến chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, toàn cầu.

Thực tế, hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh đã ghi nhận hàng trăm ca nhiễm Covid-19, đẩy hai địa phương này trở thành nơi có ca nhiễm cao nhất cả nước. Để bảo đảm hoạt động liên tục, VASI đề nghị Chính phủ xếp nhóm các doanh nghiệp sản xuất vào đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine sớm nhất.

Bác sĩ Viện Paster TP HCM chuẩn bị tiêm vaccine cho đối tượng thuộc tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Hữu Khoa.

Ngoài ra, Hiệp hội này cũng góp ý, nhà chức trách cần thống nhất trong cấp giấy chứng nhận tiêm vaccine, như cơ quan cấp, hình thức cấp, nên có QR code… đảm bảo kiểm soát tốt và thuận lợi cho người dân đi lại trong, ngoài nước.

Trước các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, khối doanh nghiệp dệt may cũng muốn được hỗ trợ tiêm vaccine. Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, ưu tiên tiêm vaccine cho doanh nghiệp đông lao động sẽ “đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm vaccine, giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất”.

Với nguồn vaccine hiện tại, 11 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm, gồm nhân viên y tế, nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên…); nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; quân đội, công an, giáo viên…

Để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần đạt 80% dân số được tiêm vaccine. Trước đó, Chính phủ đã đồng ý dùng nguồn tiền ủng hộ phòng, chống Covid-19 do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân để mua vaccine. Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ phê duyệt việc thành lập quỹ vaccine phòng Covid-19 để huy động các nguồn tài trợ và đóng góp bên cạnh ngân sách Nhà nước.

Theo tính toán của Bộ Y tế, Việt Nam cần mua 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, với tổng chi phí khoảng 25.200 tỷ đồng. Trong đó, 21.000 tỷ đồng là phí vaccine, khoảng 4.200 tỷ còn lại là vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng.

Để mua vaccine, ngân sách trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ đồng.

Theo VNEXPRESS

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…