Ông Biden: ‘Mỹ phải bảo vệ huyết mạch ở Biển Đông, Bắc Cực’
Tổng thống Joe Biden khẳng định Mỹ phải bảo vệ các tuyến đường hàng hải rộng mở và an toàn ở Bắc Cực và Biển Đông trước ảnh hưởng gia tăng của Nga, Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 19-5 khẳng định Mỹ phải bảo vệ các tuyến đường hàng hải rộng mở và an toàn ở Bắc Cực và Biển Đông trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đang tìm cách khẳng định quyền kiểm soát nhiều hơn đối với các khu vực này, tờ Bloomberg đưa tin.
Đây là tuyên bố của ông Biden trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị tổng thống tại buổi lễ khai giảng hôm 19-5 của Học viện Cảnh sát Biển ở TP. New London, tiểu bang Connecticut.
Phát biểu trong buổi lễ, ông Biden đã nêu rõ lập trường về chính sách hàng hải của chính quyền Mỹ.
“Điều quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Mỹ là đảm bảo dòng chảy thương mại toàn cầu không bị cản trở” – ông Biden cho biết.
“Và điều đó sẽ không xảy ra nếu không có các bạn, những người đóng vai trò tích cực để thiết lập các chuẩn mực ứng xử, để hình thành các chuẩn mực đó xung quanh các giá trị dân chủ” – ông Biden nói thêm.
Theo trang Rollcall, ông Biden hôm 19-5 cũng nhấn mạnh chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
“Khi Mỹ làm việc cùng các đối tác dân chủ trên thế giới, để cập nhật các quy tắc trong thời đại mới này và để tất cả chúng ta chịu trách nhiệm về việc tuân theo các quy tắc đó, sứ mệnh của các bạn sẽ mang tính toàn cầu hơn, và thậm chí còn quan trọng hơn” – ông Biden nhắn nhủ đến các học viên tại học viện.
Trước đó, hôm 18-5, các thượng nghị sĩ gồm bà Mazie K. Hirono, ông Tim Kaine và bà Lisa Murkowski đã đưa ra một dự thảo nghị quyết kêu gọi Thượng viện xem xét và ủng hộ UNCLOS 1982 một lần nữa.
“Tại Biển Đông, Công ước sẽ cho phép chúng ta phản bác các yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc thông qua tòa án quốc tế, hơn là thông qua việc leo thang quân sự và các hoạt động tự do hàng hải nguy hiểm dễ bị tính toán sai lầm” – bà Murkowski cho biết.
“Tại Bắc Cực, Công ước sẽ cho phép chúng ta giải quyết các tranh chấp lãnh thổ về các yêu sách thềm lục địa khi chúng ta có nhiều quyền tiếp cận hơn đối với khu vực mà cho đến thời điểm này là không thể tiếp cận được” – bà Murkowski nói thêm.
Bà Murkowski nhấn mạnh: “Tuy nhiên, nếu không có sự phê chuẩn [đối với UNCLOS], Mỹ sẽ thiếu một ghế trong các bàn đàm phán về các vấn đề này”.
Trong bài phát biểu hôm 19-5, ông Biden đã đề cập hai thách thức mà bà Murkowski nêu trước đó.
“Khi các quốc gia cố gắng chi phối tình hình, hoặc đưa ra các quy tắc có lợi cho họ, điều đó sẽ khiến mọi thứ lệch khỏi thế cân bằng. Và đó là lý do tại sao chúng ta rất kiên quyết về việc cần đảm bảo sự bình yên đối với những khu vực trên thế giới, vốn là huyết mạch của thương mại và hàng hải, cho dù đó là Biển Đông, Vịnh Ả Rập hay Bắc Cực. Đây là lợi ích quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ” – ông Biden khẳng định.
Ông Biden cũng đề cập việc Lực lượng tuần duyên Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tích cực hơn trên trường quốc tế.
“Các bạn có vai trò thiết yếu trong nỗ lực của Mỹ về việc đảm bảo một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” – ông Biden nói.
“Thỏa thuận hợp tác tuần duyên mới giữa Mỹ với Đài Loan đảm bảo cho Mỹ một vị thế giúp Mỹ ứng phó tốt hơn các mối đe dọa chung trong khu vực, cũng như phối hợp thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo và môi trường” – ông Biden nói thêm.
Mỹ đã chỉ trích việc Trung Quốc mở rộng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông, đồng thời chỉ trích Nga vì đã xây dựng các tiền đồn dọc theo bờ biển Bắc Cực.
Theo Báo Mới