Ý kiến trái chiều về dự án đường đi bộ bằng gỗ lim trên sông Hương
Dự án thi công con đường lát gỗ lim sát mép sông Hương (Thừa Thiên Huế) vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Dự án thi công đường đi bộ sát mép sông Hương ở bờ Nam dài 380m, rộng 4m, kết nối phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu đến công viên Lý Tự Trọng.
Tổng kinh phí thực hiện dự án gần 64 tỷ đồng, riêng việc thi công sàn gỗ sẽ tốn hơn 3.500 m2 gỗ lim.
Dự án thí điểm này do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đề xuất, được tư vấn bởi Công ty Tư vấn kỹ thuật Dohwa và Viện Nghiên cứu đô thị Han – A, Hàn Quốc.
Để thi công tuyến đường này, những ngày gần đây đơn vị thi công đã đóng hàng loạt cọc xuống ven bờ sông và tiến hành đổ dầm bê tông. Tuy nhiên, dự án tốn kém này đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối.
Con đường lát gỗ đang được thi công dọc sông Hương.
“Nhìn bờ sông Hương bên kia quá đẹp, bây giờ thêm một cái đoạn thôi để người ta đi bộ nhìn cái gì ở dưới, rồi bên kia nhìn qua là một sự chắp nối, phản mỹ thuật, nó phá vỡ cảnh quan của con sông”, ông Nguyễn Trừ Triệt nêu ý kiến.Ông Nguyễn Trừ Triệt, người dân thành phố Huế cho rằng, dự án sẽ phá vỡ cảnh quan bờ sông Hương.
Còn nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đại Vinh cho rằng, việc đóng cọc bê tông để tạo một lối đi bộ trên sông Hương sẽ ảnh hưởng đến dòng sông, làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có của sông Hương.
Phối cảnh mặt sàn đường lát gỗ lim trong dự án kết nối phố đi bộ sông Hương. |
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đại Vinh cho rằng: “Đưa vật liệu dù là gỗ xuống đóng ven lòng sông để từ trên đó xử trí một hệ thống đường sàn đi dạo. Tôi nghĩ rằng tạo ra một tiền lệ vi phạm ngay giữa lòng sông, bên mép sông. Thứ hai, tính an toàn và bền vững của công trình, chất liệu gỗ dù là gỗ lim đi nữa thì cũng không thể chống chọi khí hậu khắc nghiệt của Huế và hạn chế lòng sông trở nên cứng”.
Theo kiến trúc sư Chương Hoàng Phương – Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học Huế, thì thành phố Huế là địa phương thường xuyên hứng chịu mưa lũ. Tại sông Hương nước lũ thường dâng cao nên việc sử dụng vật liệu gỗ sẽ không bền vững, nên sử dụng những vật liệu có tính bền vững hơn.
Phối cảnh thiết kế đường lát gỗ lim dọc sông Hương. |
“Việc sử dụng vật liệu gỗ là chưa phù hợp, nên sử dụng những vật liệu có tính bền vững hơn. Vật liệu gỗ chỉ nên sử dụng ở một số hạng mục trong dự án này với điều kiện là ở cao độ cho thích hợp và phải xử lý chất gỗ sao cho bền vững hơn. Lãnh đạo của tỉnh và thành phố phải có những phương án xử lý thích hợp làm sao vừa bảo tồn vừa phát huy được vai của sông Hương”, ông Chương Hoàng Phương cho biết.
Xung quanh những ý kiến lo ngại khi đường đi bộ lát gỗ dọc bờ sông, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho hay, trước khi triển khai dự án, UBND thành phố Huế đã trưng cầu ý dân. 75% ý kiến được hỏi đồng ý với việc thi công tuyến đi bộ lát gỗ lim.
Theo ông Nguyễn Dung, đường lát gỗ lim sẽ tạo điểm nhấn, diện mạo mới cho bờ sông Hương.
Phối cảnh Dự án kết nối phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu ở bờ Nam sông Hương. |
Dự án kết nối phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu là dự án thí điểm của dự án Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc thực hiện với kinh phí tài trợ 6 USD, chiều dài 16 km.
Theo dự kiến, tuyến kết nối này được tiến hành thi công từ tháng 7/2016 và hoàn thành vào tháng 4/2017. Tuy nhiên, do thời điểm khởi công bị lùi lại nên cuối năm 2018 đường đi bộ này mới hoàn thành đưa vào sử dụng./.
Tranh cãi quanh việc Huế chi 64 tỷ đồng làm đường đi bộ lát gỗ lim VOV.VN -Trước thông tin tỉnh Thừa Thiên – Huế đầu tư 64 tỷ đồng làm đường đi bộ lát gỗ lim ven sông Hương, nhiều lo ngại công trình sẽ nhanh hỏng và lãng phí.
VOV