Xuất khẩu thủy sản sang Canada: Cần khai thác hết các ưu đãi
Canada là một thị trường có nhu cầu tiêu thụ hàng thủy sản nhập khẩu lớn. Tuy nhiên, dù hầu hết các sản phẩm thủy sản của Việt Nam đều được hưởng thuế suất 0% khi vào thị trường này nhưng trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam vào Canada vẫn còn rất khiêm tốn.
Mặc dù quy mô thị trường không lớn như Mỹ nhưng Canada cũng là thị trường tiềm năng cho thủy sản Việt Nam. Theo nghiên cứu của Bộ Y tế Canada, mức tiêu thụ thủy sản trên đầu người của Canada là 270 đôla Canada/năm, cho khoảng 9,14 kg/người/năm.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Canada, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Canada tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm với tổng giá trị nhập khẩu thủy sản năm 2019 (thời điểm trước dịch bệnh Covid-19) là 4,2 tỷ đôla Canada (tương đương khoảng 3,5 tỷ đôla Mỹ). Trong 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ nhập khẩu thủy sản của Canada tăng cao trở lại do nhu cầu tiêu thụ tăng lên nhanh chóng của Canada, cao hơn 5,5% so với cùng kỳ năm 2020 và gần 3% so với cùng kỳ năm 2019.
Với dân số gần 38 triệu người và chính sách đón nhận khoảng 400.000 người nhập cư mỗi năm, nhu cầu thủy sản của người dân Canada không ngừng tăng lên. Thống kê cho thấy, khoảng 25% dân số Canada là người nhập cư, trong đó 50% dân nhập cư là người châu Á (Trung Quốc, Ấn độ, Việt Nam, Hàn Quốc, Phillippines…) vốn là nhóm người ưa thích thủy sản. Các nhóm nhập cư khác như châu Phi (chiếm 15%), Trung Đông (9%)…cũng là những khách hàng tiềm năng với nhu cầu đa dạng.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Canada còn nhiều dư địa khi tổng giá trị xuất khẩu của ta sang thị trường này mới chỉ đạt khoảng 300 triệu đôla Canada (tương đương khoảng 250 triệu đôla Mỹ). Các mặt hàng đã khẳng định vị thế tại Canada bao gồm: tôm đông lạnh và tôm chế biến khoảng 3,4 tỷ đôla Canada/năm, chiếm khoảng 30% thị trường Canada; cá basa khoảng 37 triệu đôla Canada/năm và cá ngừ (vây vàng và mắt to) khoảng 6 triệu đôla Canada, chiếm khoảng 80% thị trường Canada. Các sản phẩm tiềm năng phát triển khác như mực, bạch tuộc, thủy sản chế biến và các sản phẩm giá trị gia tăng.
Hiện nay, các sản phẩm thủy sản của Việt Nam không nhận được nhiều ưu đãi về thuế nhập khẩu vào thị trường Canada sau Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do phần lớn các sản phẩm đã được hưởng mức thuế tối huệ quốc MFN là 0% từ trước khi Hiệp định CPTPP được ký kết và hiệu lực (trừ cá ngừ chế biến (thuế MFN 7%) và cua, ghẹ (thuế MFN 5%). Tuy nhiên thị trường Canada có một số đặc điểm thuận lợi như: không có hạn ngạch xuất khẩu, các sản phẩm thủy sản Canada và Việt Nam mang tính tương hỗ lẫn nhau hơn là cạnh tranh trực tiếp và sản phẩm nhập khẩu vào Canada dễ dàng tiếp cận thị trường Mỹ và ngược lại khi thương mại Canada và Mỹ chiếm tới 75% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Canada.
Dù tiềm năng và dư địa rất lớn, thủy sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm từ Mỹ, Ấn độ, Thái Lan và Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam định hướng xuất khẩu vào thị trường Canada cần nghiên cứu thông tin, hoạch định chiến lược cụ thể để tiếp cận thị trường khó tính nhưng “chung thủy” này.
Theo quy định của nước sở tại, Cơ quan Kiểm soát thực phẩm Canađda (CFIA) kiểm soát trên 1.000 nhà nhập khẩu thủy sản của nước này. Theo Chương trình Thanh tra nhập khẩu thủy sản của CFIA, các nhà nhập khẩu thủy sản để tiêu thụ trên thị trường nội địa phải có giấy phép nhập khẩu thủy sản hoặc giấy phép nhập khẩu Chương trình quản lý chất lượng từ CFIA. Vì vậy, doanh nghiệp có ý định thâm nhập thị trường này cần chú ý đáp ứng các quy định của CFIA.
Để có thể thâm nhập vào thị trường Canada, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào các hội chợ triển lãm. Trong đó, hai hội chợ lớn là Sial Canada sẽ được tổ chức vào tháng 4/2022 và Canada seafood show tổ chức vào tháng 9/2022.
Theo Công Thương