Xuất khẩu phần mềm “hích” FPT tăng trưởng cao
FPT kỳ vọng với tốc độ tăng trưởng bình quân 25-30%/năm, lĩnh vực Xuất khẩu phần mềm sẽ chiếm 50% tổng doanh thu của Tập đoàn trong vòng 5 năm tới và là nhân tố chính dẫn đến tốc độ tăng trưởng cao trong những năm tới.
Theo kế hoạch kinh doanh vừa được Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2018 thông qua, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn FPT dự kiến đạt 11% và 18% tương đương 21.900 tỷ đồng và 3.484 tỷ đồng. Trong đó, khối Công nghệ đóng góp tới 55% doanh thu và 42% lợi nhuận của toàn Tập đoàn.
Dựa trên bức tranh tài chính của FPT trong năm 2017 cho thấy mảng Xuất khẩu phần mềm sẽ là động lực quan trọng số 1 giúp FPT quay lại và duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong những năm tới.
Năm 2017, với lợi nhuận vượt mốc 1.000 tỷ đồng, tăng trưởng 25%, doanh thu đạt 6.242 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ, mảng xuất khẩu phần mềm tiếp tục đóng vai trò là động lực tăng trưởng của khối Công nghệ, đồng thời giữ vị trí “đầu tàu” trong chiến lược Toàn cầu hóa của FPT.
Còn ở thời tương lai, theo khẳng định của lãnh đạo FPT, mảng kinh doanh này vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 25-30%/năm và sẽ chiếm khoảng 50% tổng doanh thu của toàn Tập đoàn trong vòng 5 năm tới.
Chia sẻ với cổ đông về định hướng phát triển của mảng xuất khẩu phần mềm trong năm 2018, ông Trương Gia Bình Chủ tịch HĐQT FPT tiết lộ 3 phương sách để hiện thực hóa mục tiêu nói trên: “Một là dịch chuyển về công nghệ, từ các công nghệ truyền thống, FPT sẽ tập trung vào chuyển đổi số với ba hướng đi trọng tâm là công nghệ ô tô, sản xuất thông minh và trí tuệ nhân tạo. Hai là tập trung vào các khách hàng trong danh sách Fortune 500. Ba là chuyển dịch dần việc thực hiện các hợp đồng tính theo thời gian sang các hợp đồng trọn gói và quy mô lớn”, ông Bình nói.
Năm 2017, doanh thu từ dịch vụ chuyển đổi số của FPT tăng trưởng trên 50% chiếm 21% tổng doanh thu của khối Công nghệ. Số lượng khách hàng của FPT có mặt trong danh sách Top Fortune 500 cũng tăng đột biến, từ 24 tăng lên 64 khách hàng.
Lần đầu tiên trong 30 năm qua, FPT đã giành được hợp đồng trọn gói với quy mô lớn, trị giá 36,5 triệu USD. Với dự án này, FPT đảm nhận vai trò như một công ty SI (Systems Integrator – Tích hợp hệ thống) tại thị trường các nước phát triển, thực hiện tư vấn và giải quyết bài toán công nghệ cho người dùng cuối, hoàn thiện sản phẩm từ A đến Z.
Bên cạnh đó, cơ hội từ thị trường dịch vụ CNTT thế giới còn rất lớn đối với các công ty công nghệ như FPT. Theo nhận định của Công ty chứng khoán HSC, nhờ nhu cầu gia tăng do các công ty lớn đang chuyển nền tảng công nghệ theo hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo, internet, nhà máy thông minh, mảng xuất khẩu phần mềm sẽ là động lực tăng trưởng chính của FPT. Ngoài ra, cũng theo HSC, công nghệ dành cho ô tô được xem là một trong điểm mới của FPT. Nếu FPT thành công ở mảng công nghệ này, không chỉ tỷ suất lợi nhuận được cải thiện mà còn giúp công ty ghi tên vào bản đồ công nghệ toàn cầu.
Hiện theo, dự báo thị trường dịch vụ CNTT thế giới đạt 985 tỷ USD trong năm 2018 và dự kiến đạt 1.100 tỷ USD vào năm 2021. Như vậy, miếng bánh thị phần dịch vụ CNTT còn rất lớn cho FPT có thể “nới” rộng quy mô doanh thu, tốc độ tăng trưởng của mảng Xuất khẩu phần mềm.
Bảo Bối
Theo Trí thức trẻ