Xử lý nợ xấu: Không quyết liệt thì không kịp!
Nghị Quyết 42 là một trong những bước ngoặt quan trọng trong quá trình xử lý nợ xấu và đã có những thành quả quan trọng. Tuy nhiên, còn đó không ít vướng mắc mà theo ông Cấn Văn Lực, nếu không quyết liệt và đồng bộ thì sợ không kịp tiến độ.
Thay đổi tư duy về nợ xấu
Điểm nhấn quan trọng trong quá trình xử lý nợ xấu gần đây là Nghị quyết 42, khi đã đem lại nhiều thành công từ khi có hiệu lực.
Tại Diễn đàn toàn cảnh Ngân hàng ngày 8/5, ông Nguyễn Tiến Đông – Chủ tịch VAMC cho rằng cái mới ở Nghị quyết 42 là đã thay đổi tư duy về nợ xấu. “Trước đây, suy nghĩ nợ xấu là của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, với NQ 42 thì tư duy của nhà lập pháp đã thay đổi, nợ xấu không là của riêng ngân hàng mà là của nền kinh tế”, ông Đông nói. Từ thay đổi tư duy đó đã tạo hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng, để các bộ ngành, các cấp chính quyền cùng vào cuộc xử lý, để tái tạo nguồn lực chung cho nền kinh tế
Theo ông Đông chia sẻ, kể từ ngày 15/8/2017 nghị quyết 42 chính thức có hiệu lực đến nay, hiệu quả xử lý nợ xấu đã tăng gấp rưỡi so với các thời kỳ trước. Đặc biệt, Nghị Quyết 42 có hiệu lực trong quý 4 năm 2017 nhưng kết quả thu hồi nợ xấu về mặt thực chất của 2017 đã cao hơn rất nhiều so với những năm trước.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính, ông Cấn Văn Lực cho rằng một trong những thành quả quan trọng trong quá trình xử lý nợ xấu là không để xảy ra đổ vỡ có hệ thống, đây là bài toán rất quan trọng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, nguồn lực hạn chế, phải xử lý nhiều vấn đề cùng lúc như tái cơ cấu nợ xấu DNNN, tái cơ cấu đầu tư công. Đồng thời, hệ thống đã lành mạnh hơn, nợ xấu cũng đã giảm xuống khoảng 6%, và đến năm 2020 có thể đẩy xuống dưới 3,5%.
Ngoài ra, theo ông Lực, một điểm lớn mà các ngân hàng có được sau 6 năm xử lý nợ xấu là ý thức xử lý nợ của bên đi vay tăng lên rõ rệt. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Đông cho biết, thông thường cứ 10 khách thì chỉ được 1-2 khách thiện chí làm việc với ngân hàng hay VAMC. Tuy nhiên, sau khi có Nghị quyết 42, cho phép được làm một số việc như tiến hành thu giữ tài sản khi vi phạm cam kết. Điều này đã được địa phương, các ngành ủng hộ, tạo ý thức tốt với khách hàng.
Còn nhiều vước mắc, không quyết liệt thì khó kịp
Dù vậy, không thể phủ nhận xử lý nợ xấu còn không ít vướng mắc. Ông Lực cho rằng điều trước hết trong xử lý nợ xấu là phải quyết liệt và đồng bộ: “Nếu như các bên liên quan đặc biệt ngân hàng thương mại và các khách hàng không quyết liệt và đồng bộ thì chắc là khó kịp tiến độ”.
Ngoài ra, theo ông thì định giá tài sản để đấu giá vẫn còn chưa chuẩn, khiến có khi đến 2,3 phiên đấu nhưng chưa xong. Bên cạnh đó là vấn đề tài sản cần xử lý, các hướng dẫn của các bộ ngành liên quan trong đó có tòa án. Ông Lực cho biết, phía tòa án đã có tổng kết đang có hơn 113 vướng mắc. Các cơ quan tòa án cấp dưới, địa phương cũng cần được đồng bộ để vào cuộc bởi hiện nay nhiều nơi có cách ứng xử khác nhau.
Một trong những khó khăn hiện nay khi bán tài sản đảm bảo là vấn đề thuế, bán TSĐB xong rồi nhưng người mua không lấy được tài sản đó về vì thuế chưa đóng. Do đó, cần có hướng dẫn pháp lý rõ ràng hơn về nộp thuế khi bán đấu giá TSĐB.
Hơn nữa, phải sớm tăng vốn cho các NHTM vì tín dụng tăng tưởng liên tục 17-18% nhưng vốn chủ sở hữu tăng chỉ 8%. Tăng trưởng tín dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế song chỉ là một phần đóng góp, bên cạnh còn nhiều nguồn thúc đẩy khác. Ông Lực cho rằng không nên tạo ra sức ép cho hệ thống ngân hàng thương mại là phải tăng trưởng bao nhiêu. “IFC cũng đã có cảnh báo nên xem xét cẩn trọng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và tôi cũng cho rằng điều này là quan trọng với Việt Nam hiện nay”, ông Lực nói.
Diệp Trần – Ngọc Toàn
Theo Trí thức trẻ
[elementor-template id=”16904″]