Xử ép khách mua “hậu” cắt ngọn nhà 8B Lê Trực

Từ khi tòa nhà 8B Lê Trực của Kinh Đô TCI Group bị “cắt ngọn” đến nay, khách hàng lỡ đóng tiền mua dự án thiệt đơn, thiệt kép do chủ đầu tư “nắm đằng chuôi”.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông D. (Long Biên, Hà Nội) lắc đầu ngao ngán: “Tôi bây giờ như người cháy nhà hai đầu”.

Được biết, tháng 6/2015, ông D. đặt bút ký hợp đồng mua căn hộ tại tầng 16 của tòa nhà 8B Lê Trực, do Công ty CP May Lê Trực (công ty thành viên của Kinh Đô TCI) làm chủ đầu tư. Theo đó, ông D. đã thanh toán lần 1 cho chủ đầu tư hơn 3 tỷ đồng (tổng giá trị hợp đồng là hơn 7 tỷ đồng). Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau, ông D. và hàng loạt khách hàng khác đều hay tin dự án này bị cơ quan chức năng Hà Nội kiểm tra do có nhiều biểu hiện sai phạm trong quá trình thi công.

“Tới tháng 10/2015, khi quyết định kiểm tra sai phạm của tòa nhà được UBND TP Hà Nội công bố, buộc tháo dỡ 5 tầng, trong đó bao gồm cả tầng 16 nơi căn hộ tôi đã đăng ký mua. Không thể im lặng được nữa, tôi và các hộ dân đã tới tận trụ sở công ty mẹ (Kinh Đô TCI Group – PV) yêu cầu trả lại tiền”, ông D. nhớ lại.

Sau nhiều cuộc gặp căng thẳng, cuối cùng ông D. cũng được chủ đầu tư chấp thuận cho rút tiền kèm “điều kiện” phải chuyển sang mua căn hộ tại dự án 302 Cầu Giấy do một công ty con khác của Kinh Đô TCI làm chủ đầu tư. Ngoài ra, ông D. cũng buộc phải ký hợp đồng “tự nguyện” đặt cọc lại 300 triệu đồng tại dự án 8B Lê Trực.

“Ban đầu, họ còn yêu cầu tôi để lại 500 triệu đồng nhưng nói mãi mới chịu hạ xuống 300 triệu đồng. Nói tự nguyện để hợp pháp trên giấy tờ chứ thực chất tôi bị ép. Hơn 2 năm trôi qua, dự án 8B Lê Trực lại phát sinh rắc rối, vậy nên tôi coi như mất tong khoản đặt cọc kia rồi”, ông D. nói.

Theo tìm hiểu, hợp đồng đặt cọc mà ông D. nhắc đến được chủ đầu tư lập và ký kết ngày 30/12/2015, tức là sau 1 tháng cơ quan chức năng ra quyết định tháo dỡ phần sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực. Hành vi khuất tất này của chủ đầu tư còn được thể hiện qua việc không cấp hóa đơn đỏ cho khách hàng sau khi đã nộp tiền đặt cọc.

“Ngay sau khi hợp đồng đặt cọc được ký, tôi đã yêu cầu chủ đầu tư cấp hóa đơn đỏ. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã hơn 2 năm, họ vẫn khất lần không thực hiện. Dự án 8B Lê Trực lại phát sinh nhiều rắc rối nên không biết bao giờ tôi mới lấy lại được tiền của mình”, ông D. cho biết.

Đáng nói, khi chuyển sang dự án 302 Cầu Giấy, ông D. cho biết, đã bị chủ đầu tư đưa ra mức giá khá cao, 43 triệu đồng/m2, thay vì giá khoảng 30 triệu đồng/m2 mà những hộ dân trước đó đã mua. Hiện, dự án này đã chậm bàn giao gần 2 năm, chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế tòa nhà cũng như các căn hộ của cư dân… Hầu hết chủ các căn hộ đều phải trả thêm tiền cho diện tích tăng thêm từ 10-12% mà không rõ dự án có đủ cơ sở pháp lý để được cấp sổ đỏ hay không. “Tình cảnh của tôi bây giờ chẳng khác nào người cháy nhà hai đầu”, ông D. ngao ngán nói.

Chủ đầu tư 8B Lê Trực muốn hợp pháp hóa sai phạm?

Lật lại dự án 8B Lê Trực, tháng 10/2015, kết quả kiểm tra cho thấy, chủ đầu tư đã xây vượt giấy phép khoảng 16m, tương đương 5 tầng nhà. Diện tích sàn xây dựng thực tế cũng bị tăng 6.000 m2 so với giấy phép. Bên cạnh đó, công trình cũng không được xây dựng giật cấp đúng như thiết kế ban đầu mà xây thẳng từ khối đế đến mái nhằm làm tăng diện tích sàn.

Tháng 11/2015, TP Hà Nội bắt đầu phá dỡ sai phạm tại công trình 8B Lê Trực; tới tháng 10/2016, cơ quan chức năng cho biết đã hoàn thành giai đoạn 1, cắt xong tầng 19. Tháng 2/2017, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu quận Ba Đình xử lý nghiêm, dứt điểm các sai phạm về trật tự xây dựng còn tồn đọng, nhất là sai phạm tại công trình số 8B Lê Trực. Tuy nhiên, từ đó đến nay, giai đoạn 2 công việc tháo dỡ vẫn dở dang. Lần gần đây nhất, tháng 8/2017, trước Quốc hội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thừa nhận trách nhiệm tiến độ xử lý chậm đối với công trình sai phép trên do chờ phương án tháo dỡ an toàn.

Với mong muốn hợp pháp hóa sai phạm, từ giữa năm 2016, Công ty CP May Lê Trực đã khởi kiện quyết định cưỡng chế của UBND quận Ba Đình ra Tòa án Nhân dân Hà Nội. Dù đã được thụ lý nhưng đến nay vụ án vẫn chưa được xét xử. Tiếp đó, trong thông cáo phát đi hồi tháng 8/2017, Công ty CP May Lê Trực khẳng định: Công trình 8B Lê Trực được xây dựng phù hợp với Quy hoạch chi tiết 1/500 do UBND TP Hà Nội phê duyệt.

“Việc UBND quận Ba Đình cưỡng chế, phá dỡ đã không căn cứ vào Quy hoạch chi tiết mà chỉ căn cứ vào Giấy phép xây dựng cấp tháng 3/2014 là không đúng quy định pháp luật”, thông cáo nhấn mạnh. Cũng theo chủ đầu tư, công trình 8B Lê Trực thuộc diện không cần cấp giấy phép xây dựng. “Chúng tôi kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo dừng ngay việc phá dỡ công trình giai đoạn 2, bồi thường thiệt hại cho người mua nhà và chủ đầu tư do những quyết định hành chính ban hành sai quy định gây ra trong thời gian qua”, đại diện Công ty CP May Lê Trực nói.

Được biết, hơn 2 năm từ ngày Hà Nội tổ chức tháo dỡ công trình, dự án 8B Lê Trực vẫn bỏ không vì bị cơ quan chức năng phong tỏa. Liên quan tới vấn đề này, Báo Giao thông đã gửi văn bản tới UBND TP Hà Nội và cơ quan chức năng để sớm có thông tin phản hồi.

Theo Hoàng Ngân

Báo giao thông

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…