World Bank dự báo mức kiều hối toàn thế giới giảm kỷ lục trong năm 2020

Theo Báo cáo di cư và kiều hối vừa được Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố, năm 2020, lượng kiều hối toàn cầu được dự báo sẽ giảm mạnh khoảng 20%, do khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 và nhiều hoạt động bị đình trệ.

Dòng kiều hối chảy về các nước thu nhập thấp và trung bình được dự đoán sẽ giảm 19,7%.

Kiều hồi chảy vào tất cả các khu vực đều giảm sút

Đây là mức giảm kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây, phần lớn là do giảm thu nhập và việc làm ở nhóm lao động di cư – nhóm đối tượng dễ bị mất việc làm và thu nhập do khủng hoảng kinh tế ở các nước sở tại. Dòng kiều hối chảy về các quốc gia thu nhập thấp và trung bình được dự đoán sẽ giảm 19,7% xuống còn 445 tỷ USD, gây tổn thất đến nguồn tài chính mang ý nghĩa sống còn đối với nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Dự báo dòng kiều hối chảy vào tất cả các khu vực thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giớ (WBG) năm 2020 đều sẽ giảm. Đáng chú ý nhất là châu Âu và Trung Á giảm 27,5%, tiếp theo là châu Phi cận Sahara (23,1%), Nam Á (22,1%), Trung Đông và Bắc Phi ( 19,6%), Mỹ Latinh và Caribê (19,3%), Đông Á và Thái Bình Dương (13%).

Cụ thể, xét về xu hướng kiều hối theo khu vực, năm 2019 dòng kiều hối chảy vào khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tăng 2,6% lên mức 147 tỷ USD. Việt Nam là nước nhận kiều hối lớn thứ ba trong khu vực này trong năm 2019. Lượng kiều hối gửi về Việt Nam năm ngoái lên tới 17 tỷ USD, chiếm 6,5% GDP. Năm 2020, dòng kiều hối toàn khu vực dự kiến sẽ giảm 13%. Đây là hậu quả do sự sụt giảm dòng tiền từ Hoa Kỳ, nguồn kiều hối lớn nhất của khu vực này.

Lượng kiều hối chảy vào khu vực Trung Đông và Bắc Phi năm 2020 được dự đoán sẽ giảm 19,6% xuống còn 47 tỷ USD, sau khi tăng 2,6% trong năm 2019. Sự suy giảm này là do hậu quả của suy thoái toàn cầu cũng như tác động của việc sụt giảm giá dầu tại các quốc gia Hội đồng Hợp tác vùng vịnh (GCC). Kiều hối từ khu vực châu Âu cũng sẽ bị ảnh hưởng do sự suy giảm kinh tế của khu vực này từ trước dịch Covid-19 cũng như do đồng Euro bị mất giá so với đồng USD.

Trong năm 2020 lượng kiều hối chảy vào khu vực Nam Á được dự báo sẽ giảm 22% xuống còn 109 tỷ USD. Đây là hậu quả của suy giảm kinh tế toàn cầu do bùng phát dịch bệnh Covid-19 và sụt giảm giá dầu. Suy thoái kinh tế có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền từ Hoa Kỳ, Anh và các nước EU sang Nam Á.

Trong năm 2019, lượng kiều hối chảy vào châu Phi cận Sahara ghi nhận mức giảm nhẹ 0,5% xuống còn 48 tỷ USD. Do cuộc khủng hoảng Covid-19, dòng kiều hối chảy vào khu vực này dự kiến sẽ giảm 23,1% xuống mức 37 tỷ USD trong năm 2020. Sự sụt giảm này là hậu quả của nhiều yếu tố kết hợp do bùng phát dịch Covid-19 tại các quốc gia có nhiều lao động châu Phi nhập cư như EU, Hoa Kỳ, Trung Đông và Trung Quốc.

Cần rút ngắn thời gian phục hồi kinh tế ở các nước phát triển

Năm 2020, kiều hối sụt giảm sau khi lượng kiều hối chảy vào các quốc gia thu nhập thấp và trung bình đạt mức kỷ lục 554 tỷ USD trong năm 2019. Cho dù sụt giảm như vậy nhưng kiều hối được dự kiến vẫn là nguồn tài chính quốc tế quan trọng đối với các quốc gia này bởi vốn FDI dự báo còn giảm sâu hơn (trên 35%).

WB ước tính năm 2021 lượng kiều hối chảy vào các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sẽ hồi phục và tăng 5,6% lên 470 tỷ USD. Tuy nhiên, triển vọng này vẫn còn chưa chắc chắn, phụ thuộc vào tác động của Covid-19 đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu và các biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.

Trước đây, dòng chảy kiều hối thường có xu hướng ngược chu kỳ, có nghĩa là trong những thời điểm khủng hoảng và khó khăn người lao động có xu hướng gửi tiền về nhà nhiều hơn. Tuy nhiên, đại dịch lần này gây ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, làm gia tăng sự bất định.

Theo dự báo, lượng kiều hồi chảy vào khu vực Đông Á – Thái Bình Dương sẽ hồi phục và tăng 7,5% vào năm 2021. Khu vực Trung Đông và Bắc Phi dự kiến sẽ phục hồi nhẹ với mức tăng trưởng 1,6% do khu vực châu Âu được dự báo tăng trưởng ở mức thấp và dòng chảy của các quốc gia GCC vẫn ở mức yếu. Còn khu vực châu Phi cận Sahara, dự kiến lượng kiều hối sẽ hồi phục và tăng 4% vào năm 2021.

Chủ tịch WB – ông David Malpass cho biết, kiều hối là một nguồn thu nhập quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển. Suy thoái kinh tế do hậu quả của COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lao động di cư gửi tiền về nhà. Bởi vậy, việc rút ngắn thời gian phục hồi kinh tế ở các nước phát triển lại càng trở nên quan trọng. Kiều hối hỗ trợ các hộ gia đình mua thực phẩm, thanh toán dịch vụ y tế và các nhu cầu cơ bản.

Ông David Malpass cũng cho biết, WBG đang triển khai nhanh các chương trình trên diện rộng để hỗ trợ các quốc gia, đồng thời WBG cũng nỗ lực để giữ cho các kênh chuyển tiền thông suốt và đảm bảo đáp ứng nhu cầu cơ bản cho những người nghèo nhất.

Theo đó, WBG đang tiến hành hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc giám sát dòng kiều hối qua nhiều kênh khác nhau, chi phí và mức độ thuận tiện của việc chuyển tiền cùng các quy định về minh bạch tài chính có ảnh hưởng đến dòng kiều hối. WBG hiện đang phối hợp với các nước G20 và cộng đồng quốc tế để giảm chi phí chuyển tiền và cải thiện tài chính toàn diện cho người nghèo.

Theo BizC.vn

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *