Vương quốc Anh đầu tư 3,9 tỷ USD vào Việt Nam
Tính đến thời điểm hiện tại, Vương quốc Anh đã đầu tư vào Việt Nam 424 dự án, với tổng vốn đăng ký 3,9 tỷ USD. Với kết quả này, Anh đứng thứ 15 trên tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có dự án đầu tư vào Việt Nam.
Thông tin trên vừa được ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại từ Vương quốc Anh vào Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các dự án của Vương quốc Anh vào Việt Nam là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với hơn 118 dự án, đạt 1,5 triệu USD. Tiếp theo lần lượt là ngành bất động sản, khai thác khoáng sản, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ. Đặc biệt, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, triển vọng thu hút đầu tư từ Vương quốc Anh rất lớn, nhất là khi hai quốc gia vừa ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) vào tháng 12/2020. Hơn nữa, Việt Nam còn được lựa chọn là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài với những lợi thế vượt trội, như: Chính trị ổn định; tăng trưởng kinh tế cao và ổn định; chi phí sản xuất cạnh tranh; nguồn nhân lực dồi dào, cơ cấu dân số vàng; thị trường tiềm năng; hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng; chính sách thu hút đầu tư mở với nhiều ưu đãi cạnh tranh; vị trí địa lý chiến lược trong khu vực Đông Nam Á.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Việt Nam hiện đang kêu gọi đầu tư vào các ngành: Năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ sinh học, điện tử. Trong đó, rất mong muốn hợp tác với Vương quốc Anh trong lĩnh vực điện tử, nhất là khi Việt Nam là quốc gia lớn thứ 12 trên thế giới, thứ 3 trong khu vực ASEAN về xuất khẩu các thiết bị điện tử và 95% giá trị sản xuất đều đến từ các công ty đầu tư nước ngoài.
Để thuận tiện trong thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư từ Vương quốc Anh, Việt Nam đang tiến hành rà soát quỹ đất khu công nghiệp; tập trung đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chương trình hành động để đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư; nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh với nhiều chiến lược đầu tư nước ngoài mới; xây dựng khung pháp lý ngày càng thuận lợi với cơ chế thông thoáng, tăng cường phân cấp, minh bạch, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, bổ sung ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư; hỗ trợ từ Chính phủ với các thông tin chính xác nhất về các chính sách, tháo gỡ các nút thắt trong thu hút đầu tư cũng như tổ chức nhiều cuộc hội thảo kết hợp kinh doanh, nhằm kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước trao đổi thương mại, đầu tư.
Theo Công Thương