VRG – triển vọng và cơ hội

Ngành cao su Việt Nam đã có truyền thống phát triển lâu dài, cây cao su được du nhập vào Việt Nam từ năm 1897 đến nay đã được 121 năm và từ năm 1975 đến nay, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) luôn là đơn vị nòng cốt, dẫn dắt việc phát triển của Ngành cao su Việt Nam.

Hiện nay VRG đang hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, với số vốn Nhà nước sau khi định giá lại để cổ phần hóa là 38.820 tỷ đồng; VRG có 123 doanh nghiệp thành viên gồm: 20 công ty TNHH MTV cao su, 4 đơn vị sự nghiệp, 51 công ty cổ phần cao su, 6 công ty cổ phần công nghiệp cao su, 11 công ty chế biến gỗ, 11 công ty khu công nghiệp trên đất cao su và 20 công ty thuộc ngành khác, quản lý hơn 410.000 ha cao su (trong nước hơn 290.000 ha, Lào và Campuchia hơn 115.000 ha); tổng năng lực chế biến gỗ gần 1.200.000 m3/năm; sản xuất các sản phẩm công nghiệp cao su trên 30.000 tấn/năm và quản lý kinh doanh hơn 5.000 ha đất khu công nghiệp.

Năm 2017, VRG đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chính như: Sản lượng cao su khai thác 273.000 tấn, bằng 109% KH năm, Sản lượng cao su thu mua đạt 93.000 tấn, bằng 130% KH năm, Sản lượng cao su tiêu thụ 344.000 tấn, bằng 111% KH năm, Sản phẩm gỗ các loại đạt 1.150.000 m3, bằng 103% KH năm, Sản phẩm công nghiệp cao su đạt xấp xỉ 30.000 tấn; các khu công nghiệp cho thuê được 290 ha bằng 108% KH kế hoạch năm.

Tổng tài sản Tập đoàn ước đạt 73.000 tỷ đồng; doanh thu hợp nhất khoảng 19.000 tỷ đồng, bằng 103% KH năm, tổng lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 3.600 tỷ đồng, bằng 118% KH năm, nộp ngân sách 1.650 tỷ đồng, bằng 106% KH năm, mức thu nhập bình quân trên 6.500.000 đồng/người/tháng, tăng 8% so với năm 2016.

Với nền tảng như trên, VRG đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Cổ phần hoá theo Quyết định số 2090/QĐ-TTg ngày 26/12/2017. Tập đoàn đủ cơ sở để phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong những năm sắp tới, thông qua việc khai thác tốt nhất những tiềm năng và cơ hội hiện có của Tập đoàn:

Với Ngành trồng và khai thác cao su thiên nhiên, vẫn là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong quy mô VRG, giai đoạn 2007-2013 là giai đoạn VRG tập trung mở rộng diện tích và hiện nay sản lượng cao su khai thác sẽ gia tăng đáng kể nhất là khu vực Campuchia.

Về ngành Chế biến gỗ VRG đã đầu tư trong nhiều năm qua và đến nay sản phẩm Ván MDF đã có thị trường ổn định, đủ khả năng cạnh tranh với ván nhập khẩu, chiếm 50% thị phần trong nước và đang dần tăng tỷ lệ xuất khẩu; phần lớn ván MDF của VRG sử dụng nguồn nguyên liệu là cành nhánh cây cao su nên giá thành rất cạnh tranh và biên lợi nhuận cao; xu thế này sẽ tiếp tục duy trì đến năm 2025.

Gia tăng sản phẩm cao su tinh chế, sản phẩm công nghiệp cao su là mục tiêu quan trọng của VRG để tăng giá trị sản phẩm cao su, hiện VRG đã có các sản phẩm như nệm, găng tay y tế, chỉ sợi, băng tải, cao su kỹ thuật…

Một nhóm ngành VRG có nhiều lợi thế là phát triển các khu công nghiệp, khu dân cư trên đất cao su theo quy hoạch của các địa phương, những lợi thế gồm (i) Tập trung ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước là khu vực thuộc loại năng động nhất Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài (ii) Chi phí đầu tư rẻ, triển khai giao đất cho nhà đầu tư nhanh, nền đất cứng, hệ thống hạ tầng khá hoàn chỉnh (iii) Tập đoàn với vị thế là một doanh nghiệp lớn, rất thuận lợi trong đàm phán với đối tác để thu hút nhà đầu tư vào khu công nghiệp.

Tập đoàn tiếp tục thực hiện lợi thế này để mở rộng các khu công nghiệp hiện hữu, đây là ngành kinh doanh có hiệu quả, dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh và hiệu quả cao trong các năm tới. Phát triển Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Nông nghiệp sạch là một chủ trương quan trọng của Ngành Nông nghiệp Việt Nam, VRG có quỹ đất tập trung để có thể áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tăng năng suất, hạ giá thành; quỹ đất ở nhiều vùng sinh thái phù hợp với nhiều loại cây trồng khác nhau; có nguồn vốn, lực lượng cán bộ kỹ thuật và công nhân có kinh nghiệm trong việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật và quản lý sản xuất theo quy trình.

Và cuối cùng, mô hình quản lý của VRG hiện nay đã phát huy được những mặt mạnh: Tập trung được nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu, chương trình lớn, xác lập được vị trí trong thương thảo với đối tác nước ngoài, điều tiết được sản lượng, giá cả sản phẩm; các doanh nghiệp cùng ngành hàng nhưng không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp nên việc chuyển giao sáng kiến, học tập kinh nghiệm được tiến hành thường xuyên, giúp tăng năng suất, hạ giá thành và tăng hiệu quả; xây dựng được cơ chế để phát triển các ngành công nghiệp trong chuỗi giá trị như chế biến gỗ, công nghiệp cao su… Với những lợi thế đã được xây dựng trong những năm qua, VRG tin tưởng vào tiềm năng phát triển và là cơ hội của các Nhà đầu tư tiềm năng.

A.D

Theo Nhịp sống kinh tế

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…