Vinalines đang là “con nợ” của những tổ chức tín dụng nào?
Sau hơn 6 năm tái cơ cấu, Vinalines vẫn gánh hơn 11.219 tỷ đồng nợ gốc, trong đó 4.374 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 6.845 tỷ đồng nợ vay trung, dài hạn tại các tổ chức tín dụng.
Dù trong năm 2017, Vinalines đã trả được hơn 4.196 tỷ đồng nợ gốc nhưng đến thời điểm 31/12/2017, báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty vẫn ghi nhận hơn 11.219 tỷ đồng nợ gốc và 3.027 tỷ đồng nợ lãi phải trả.
Có thể thấy, nợ vay đang là gánh nặng thực sự đối với Vinalines trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp. Tổng dư nợ tại các tổ chức tín dụng bao gồm cả ngắn, trung và dài hạn chiếm 39,9% tổng nguồn vốn trên báo cáo tài chính năm 2017 của doanh nghiệp.
Nợ nhiều dẫn đến áp lực trả lãi lớn. Tính riêng năm 2017, chi phí lãi vay lên đến 807 tỷ đồng tương đương 6% doanh thu, ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh của công ty.
Theo số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của Tổng công ty, tại thời điểm 31/12/2017, chủ nợ lớn nhất của Vinalines là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với 1.377 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 2.545 tỷ đồng nợ trung, dài hạn. Theo sau đó là Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) với 737 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 842 tỷ đồng nợ trung dài hạn, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) với 737 tỷ đồng và Công ty Tài chính Công nghiệp Tàu Thủy VFC với 312 tỷ đồng nợ ngắn hạn.
Ngoài ra, Vinalines vẫn còn khoản vay trung, dài hạn trên 725 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA giai đoạn II với lãi suất khoảng 2%/năm.
Cũng trong năm 2017, Vinalines đã xử lý một số khoản nợ lớn như 1.023 tỷ đồng vay ngắn hạn và 445 tỷ đồng vay dài hạn tại Ngân hàng Cathay United – Chi nhánh Chu Lai, 1.267 tỷ đồng vay ngắn hạn tại Ngân hàng TMCP Đại Dương – Chi nhánh Hà Nội và 289 tỷ đồng nợ dài hạn tại Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC).
Năm 2017, doanh thu công ty đạt 13.560 tỷ đồng, giảm 7,2% so với năm 2016, đồng thời lợi nhuận sau thuế đạt 748 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm trước.
BizLIVE
[elementor-template id=”16904″]