Viettel và tầm nhìn trở thành Tập đoàn công nghệ kinh doanh toàn cầu

Mới đây tại Trụ sở  chính (số 1 Trần Hữu Dực, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội), Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã tổ chức Lễ bàn giao chiến lược giai đoạn 4.0 và bàn giao chức danh Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cho Thiếu tướng Lê Đăng Dũng.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng bàn giao chức danh Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cho Thiếu tướng Lê Đăng Dũng

Tự hào thành tựu, vững bước tương lai

Viettel khép lại giai đoạn 3.0 (từ 2010 – 2018) bằng bảng thành tích rất đáng tự hào: trở thành Tập đoàn Công nghiệp Công nghệ cao số 1 Việt Nam; nằm trong Top 30 nhà mạng lớn nhất thế giới; Top 15 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về số thuê bao; Top 40 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về doanh thu; công ty Việt Nam đầu tư ra nước ngoài lớn nhất (10 nước). Không chỉ duy trì ổn định vị thế nhà mạng số 1 Việt Nam, Viettel còn dẫn đầu về hiệu quả kinh doanh với những con số ấn tượng: doanh thu tăng trưởng 2,7 lần (từ 92.000 tỷ lên 252.000 tỷ); lợi nhuận tăng trưởng 2,7 lần (từ 16.000 tỷ lên 44.100 tỷ); nộp NSNN tăng 4,5 lần (từ 9.200 tỷ lên 41.100 tỷ); vốn chủ sở hữu tăng 4,5 lần (từ 28.600 tỷ lên 128.000 tỷ); thu nhập tăng 1,9 lần. Tập đoàn cũng đồng thời là doanh nghiệp nộp thuế và ngân sách lớn nhất, lợi nhuận lớn nhất và giá trị thương hiệu cao nhất.

Sau 30 năm, trải qua 3 chặng đường phát triển, Viettel đã “vươn vai” lớn mạnh, từ Viettel 1.0 là một Công ty xây lắp (giai đoạn 1989 – 1999) trở thành Viettel 2.0 là Công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam (giai đoạn 2000 – 2010) và đến thời điểm hiện nay đã hoàn thành Viettel 3.0 là Tập đoàn công nghiệp công nghệ cao (giai đoạn 2010 – 2018). Điều này đồng nghĩa với việc Viettel sẽ bước vào giai đoạn 4.0 sớm hơn 2 năm so với dự kiến.

Trong giai đoạn mới 4.0 (2018 – 2030), Viettel đặt mục tiêu phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng từ 10-15%; trở thành Tập đoàn công nghệ kinh doanh toàn cầu; tiếp tục duy trì vị thế dẫn dắt số 1 Việt Nam về Viễn thông&Công nghiệp công nghệ cao; góp mặt trong Top 150 doanh nghiệp lớn nhất thế giới vào năm 2030, trong đó đứng Top 10 về Viễn thông& công nghệ thông tin, Top 20 về Công nghiệp Điện tử Viễn thông, Top 50 về Công nghiệp an toàn&An ninh mạng. Cơ cấu doanh thu viễn thông và công nghệ thông tin chiếm 55%; công nghiệp công nghệ cao chiếm 25%; lĩnh vực đầu tư vào đổi mới, sáng tạo chiếm 10% và lĩnh vực truyền thống 10%.

Trong chiến lược giai đoạn 4 của mình, Viettel cũng xác định phải đi đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cho nền kinh tế với vai trò dẫn dắt và lan tỏa cả về công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh, nghiên cứu sản xuất, sản phẩm. Trong đó tập trung vào các dự án 4.0 cho Chính phủ điện tử, giáo dục, nông nghiệp, thành phố thông minh… từ cấp Trung ương đến địa phương, tới từng lĩnh vực cuộc sống. Viettel cũng tiếp tục phấn đấu duy trì mô hình kiểu mẫu về doanh nghiệp nhà nước, nhận thực hiện các nhiệm vụ khó mang sứ mệnh quốc gia.

Chân dung “Thuyền trưởng mới”

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng có mặt tại Viettel từ năm 1996. Ông đã giữ vị trí Phó Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc của Viettel được 16 năm, dài nhất trong lịch sử Tập đoàn; đã có 5 năm là Bí thư Đảng ủy Tập đoàn và giữ vị trí Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) từ năm 2016.

Trong thời gian dẫn dắt Đảng bộ Tập đoàn, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng đã có chủ trương tập trung nguồn lực thực hiện 3 chiến lược cốt lõi của Viettel là viễn thông trong nước, viễn thông nước ngoài và nghiên cứu sản xuất thiết bị; xây dựng mô hình bộ máy “phẳng hoá” về tổ chức, loại bỏ bớt lớp trung gian để giúp Viettel linh hoạt, sáng tạo; mạnh dạn giao quyền, ủy quyền cho các cấp; chuyển dịch từ đánh giá kết quả sang đánh giá toàn diện về năng suất, chất lượng và hiệu quả; thực hiện xuyên suốt quan điểm đặt mục tiêu, chỉ tiêu cao để tìm cách làm mới, cách làm đột phá; giao việc mới, việc khó để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và tạo ra sự bứt phá của Tập đoàn.

Phát biểu tại lễ bàn giao, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng bày tỏ sự biết ơn sâu sắc khi được lãnh đạo Bộ Quốc phòng và lãnh đạo, cán bộ nhân viên Viettel tin tưởng, lựa chọn làm “đầu tàu” của Viettel; đồng thời khẳng định quyết tâm sẽ kế thừa, phát huy các thành quả công nghệ của giai đoạn Viettel 3.0 và trực tiếp đưa Tập đoàn Viettel bước vào một chương mới của lịch sử giai đoạn 4.0, hướng tới kinh doanh toàn cầu: “Thừa hưởng thành tựu vẻ vang của Tập đoàn, văn hóa đặc sắc của Viettel, đội ngũ kế cận sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao phó dựa trên việc giữ nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định tập thể nhưng vẫn phải giữ vai trò cá nhân xuất sắc, phải xác định rõ lĩnh vực, sản phẩm mũi nhọn để tập trung đầu tư phát triển, chú ý các chế độ, chính sách về người lao động, phải làm cho người lao động hạnh phúc, yêu mến Viettel” – Thiếu tướng Lê Đăng Dũng khẳng định.

Theo : Nguyễn Cường

Cherry Media – https://bizc.vn

[elementor-template id=”16904″]

 

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…