Viettel đổi tên và có điều lệ, tổ chức hoạt động mới
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội là tên mới của Viettel (tên cũ là Tập đoàn Viễn thông Quân đội) và là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 05/2018/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty mẹ – Tập đoàn Viettel. Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội được đổi tên từ Tập đoàn Viễn thông Quân đội là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Tập đoàn Viettel trực thuộc Bộ Quốc phòng; chịu sự lãnh đạo về mọi mặt của Quân ủy Trung ương; thực hiện nhiệm vụ chính trị, quân sự, quốc phòng đặc biệt do Nhà nước, Bộ Quốc phòng giao và sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Tập đoàn Viettel là nhóm công ty gồm công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp thành viên và công ty liên kết, không có tư cách pháp nhân, phối hợp vừa thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, vừa thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; gắn bó chặt chẽ, lâu dài với nhau về nhiệm vụ, lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác.
Các doanh nghiệp tham gia Tập đoàn Viettel được tổ chức và hoạt động kinh doanh độc lập, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu. Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa Viettel và doanh nghiệp tham gia tập đoàn đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với các chủ thể pháp lý độc lập.
Vốn điều lệ của Viettel tại thời điểm thay đổi điều lệ, tổ chức hoạt động (ngày 5/1/2018) là 121.520 tỷ đồng; vốn điều lệ của Viettel giai đoạn từ 2015 đến hết năm 2020 là 300.000 tỷ đồng.
Tại Tập đoàn Viettel, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc và là người đại diện chủ sở hữu tại Viettel, thực hiện các quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước. Chủ tịch Viettel do Thủ tướng bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ Quốc phòng và sau khi có ý kiến thống nhất của tập thể Ban cán sự Đảng Chính phủ.
Cơ cấu tổ chức quản lý của Viettel gồm: Chủ tịch; Tổng Giám đốc; các Phó Tổng giám đốc; Kiểm soát viên; Kế toán trưởng; Bộ máy tham mưu giúp việc, kiểm soát nội bộ. Theo điều lệ, tổ chức hoạt động mới, số lượng Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn Viettel không vượt quá 5 người; trường hợp cần bổ sung Phó Tổng giám đốc, Viettel đề nghị Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.
Theo Nghị định này, Viettel thực hiện đa dạng hoá sở hữu trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định cổ phần hoá, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn Nhà nước tại Viettel.
Theo Nhịp sống kinh tế