Vietnam Airlines vay SeABank tái cấp vốn 2.000 tỷ đồng
SeABank sẽ giải ngân 2.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines, chiếm một nửa số tiền Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho hãng bay này vay.
Vietnam Airlines và SeABank vừa ký kết hợp đồng tín dụng với hạn mức tối đa 2.000 tỷ, giải ngân một phần vào đầu tháng 7, nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn.
Theo thông tư 04 của Ngân hàng Nhà nước, tổng số tiền tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay tối đa 4.000 tỷ đồng. Lãi suất tái cấp vốn với các tổ chức tín dụng này là 0%. Ngân hàng Nhà nước không yêu cầu tài sản bảo đảm khi tái cấp vốn.
Như vậy, khoản vay SeABank chiếm 50% nguồn tiền tái cấp vốn cho Vietnam Airlines của Ngân hàng Nhà nước. Hãng bay này sẽ vay thêm 2.000 tỷ đồng còn lại từ SHB và MSB.
Vietnam Airlines sẽ vẫn phải trả lãi vay cho các tổ chức tín dụng nhưng ở mức ưu đãi, thấp hơn thị trường. Hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể về mức lãi suất ba ngân hàng cho Vietnam Airlines vay.
“Khoản tín dụng ưu đãi của SeABank sẽ giúp chúng tôi vượt qua khó khăn đại dịch, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội đất nước”, Chủ tịch Vietnam Airlines, Đặng Ngọc Hoà cho biết.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty cổ phần Tập đoàn BRG (Tập đoàn BRG) và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm cùng nhau phát triển trong nhiều lĩnh vực. Sự hợp tác này sẽ cho phép ba bên cùng xúc tiến các hoạt động hỗ trợ nhau mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh để khai thác thế mạnh, tiềm lực sẵn có.
Trong gói “giải cứu” 12.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua, còn 8.000 tỷ để tăng vốn điều lệ đến từ phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. Đại diện Vietnam Airlines cho biết phương án phát hành cổ phiếu này cũng đang được triển khai các hành lang pháp lý cần thiết theo quy định, dự kiến hoàn tất trong quý IV năm nay.
Theo dự thảo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư mới đây, Vietnam Airlines có thể lỗ đến 10.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Riêng quý I, Vietnam Airlines đã lỗ gần 5.000 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ lớn nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp này.
Đến 31/3, Vietnam Airlines ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm hơn 14.218 tỷ đồng – đã lớn hơn khoản vốn điều lệ 14.187 tỷ đồng của hãng. Nếu không khắc phục được tình trạng này, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines sẽ nguy cơ bị huỷ niêm yết. Trước đó, mã này cũng đã bị HoSE đưa vào diện cảnh báo từ 15/4.
Theo VNEXPRESS