Vietnam Airlines muốn rót gần 10.000 tỷ đồng vào sân bay Long Thành

Hãng bay có kế hoạch đầu tư 9.900 tỷ vào sân bay Long Thành, trong đó 30% là từ vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay.

Kế hoạch trên vừa được Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) gửi Bộ Giao Thông Vận Tải, Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Các dịch vụ mà hãng muốn đầu tư tại Long Thành gồm: cung ứng nhiên liệu hàng không, phục vụ kỹ thuật mặt đất, cung ứng suất ăn, nhà ga hàng hóa, trung tâm logistics hàng không. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng muốn tổ chức được hoạt động kinh doanh, phục vụ hành khách tại nhà ga như dịch vụ phòng chờ, bán hàng miễn thuế và các dịch vụ hàng không khác.

Vietnam Airlines cũng đề xuất cùng các công ty con trực tiếp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc hợp tác với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để thành lập liên doanh.

Theo ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Vietnam Airlines, trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021 – 2030, Vietnam Airlines và các đơn vị thành viên ưu tiên bố trí tối đa nguồn lực để tham gia các dự án đầu tư xây dựng, khai thác cơ sở hạ tầng tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Việc này nhằm đảm bảo cung ứng dịch vụ đồng bộ cho hoạt động vận tải hàng không của Vietnam Airlines, cũng như các bay khác trong khu vực.

Vietnam Airlines cũng đề nghị cơ quan chức năng xem xét, chấp thuận cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên đối với Vietnam Airlines và các đơn vị con có đủ cơ sở hạ tầng và mặt bằng để khai thác tại nhà ga hành khách, cũng như đáp ứng yêu cầu khai thác và nhu cầu phát triển; xem xét bố trí nhà ga/cánh nhà ga riêng cho Vietnam Airlines…

Trong ngắn hạn, hãng xin được bố trí ngay vị trí đất để triển khai đầu tư sớm hạng mục xây dựng, bảo dưỡng, sửa chữa máy bay tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Sau khi được chấp thuận chủ trương, Vietnam Airlines và các đơn vị thành viên sẽ lập các đề án, dự án đầu tư cụ thể trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Sân bay Long Thành được khởi công hôm 5/1. Theo quy hoạch, sân bay Long Thành được xây dựng theo 3 giai đoạn đến năm 2040, bao gồm: bốn đường cất hạ cánh, bốn nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ đảm bảo công suất phục vụ 100 triệu hành khách và năm triệu tấn hàng hoá mỗi năm.

Tại giai đoạn một, các hạng mục tại Long Thành được chia làm 4 dự án thành phần, trong đó ACV làm chủ đầu tư dự án thành phần ba gồm: hạng mục rà phá bom mìn, san lấp mặt bằng, đường giao thông kết nối, đường băng, nhà ga hành khách và hạ tầng hàng không phụ trợ… Tổng mức đầu tư của dự án thành phần 3 là khoảng 99.000 tỷ đồng.

Cả năm 2020, Vietnam Airlines lỗ sau thuế 11.097 tỷ đồng. Tổng tài sản của doanh nghiệp tính đến hết năm ngoái đạt gần 63.000 tỷ đồng, đối ứng bên nguồn vốn là hơn 56.800 tỷ đồng nợ phải trả và 6.140 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.

Đầu năm nay, hãng đã được Chính phủ thông qua phương án giải cứu, trong đó Ngân hàng Nhà nước được giao tái cấp vốn tối đa 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0% với tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay. Đồng thời, Chính phủ cũng giao Vietnam Airlines phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng các quy định theo Luật Chứng khoán và Nghị quyết 135 của Quốc hội. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện quyền mua cổ phần của cổ đông nhà nước tại Vietnam Airlines.

Theo VNEXPRESS

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…