Vietnam Airlines: Lợi nhuận quý IV tăng đột biến nhờ ghi nhận lãi tỷ giá và bán tái thuê máy bay
Báo lợi nhuận cao nhất lịch sử nhưng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của Vietnam Airlines không tăng trưởng.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines: HVN) vừa công bố cho thấy, hãng hàng không này vừa có một quý IV thành công nhất từ trước tới nay với khoản lợi nhuận trước thuế đạt đến 526 tỷ đồng, và 313 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ, cao vượt trội so với khoản lỗ 345 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Điểm tích cực của Vietnam Airlines trong kỳ này đó chính là doanh số có mức tăng lên đến 26,8% lên mức 21.306 tỷ đồng. Tuy vậy, lãi gộp của HVN lại giảm sút 22% so với cùng kỳ năm trước xuống mức 1.289 tỷ đồng. Điều này cho thấy nguồn thu chính từ hoạt động kinh doanh hàng không, vận tải của hãng suy giảm, rất có thể đến từ việc chi phí nhiên liệu vốn chiếm khoảng xấp xỉ 30% giá thành tăng theo giá dầu thế giới.
Trong khi đó, chi phí quản lý được Vietnam Airlines tiết giảm 7,2% xuống còn 701 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng lên 1.204 tỷ đồng, tăng 15,7%. Tổng 2 khoản chi này khiến HVN lỗ ròng nếu như không có 2 khoản thu nhập được ghi nhận từ lãi chênh lệch tỷ giá 812 tỷ đồng và 392 tỷ đồng từ hoạt động bán tái thuê máy bay. Trong khi cùng kỳ năm trước, Vietnam Airlines lỗ ròng 345 tỷ đồng do lỗ tỷ giá và chỉ ghi nhận 77 tỷ đồng từ hoạt động bán tái thuê máy bay dù lãi gộp cao hơn năm nay.
Tính chung cả năm 2017, doanh số của Vietnam Airlines có mức tăng trưởng 18,4% so với năm trước, nhưng với giá vốn tăng cao, lợi nhuận gộp đến từ hoạt động kinh doanh chính hãng bay này giảm nhẹ so với năm ngoái xuống mức xấp xỉ 10.700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ của hãng tăng mạnh nhờ tỷ giá biến động có lợi và hoạt động bán tái thuê đóng góp nhiều hơn vào lợi nhuận khác. Doanh thu đến từ hoạt động bán tái thuê mang về cho Vietnam Airlines 771 tỷ đồng trong năm 2017, gấp 10 lần cùng kỳ.
Hãng bay này cũng ghi nhận rõ đây là khoản thu nhập khác mà không đưa trực tiếp vào doanh thu như hãng hàng không VietJet đang làm. Phía Vietnam Airlines cũng từng cho biết thực tế đây không phải là thu nhập mà là do cách hạch toán theo chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện nay. Bởi lẻ, hoạt động bán tái thuê thực chất là hoạt động tài trợ cho dự án mua thêm máy bay và đáng lý phải ghi tăng tài sản và tăng nợ phải trả tương ứng.
Theo Trí thức trẻ