Vietcombank và những thứ "nhất"
Tiền thân là Cục Ngoại hối thuộc NHNN, đến nay ngân hàng Vietcombank đã là ngân hàng có tài sản trên 1 triệu tỷ đồng, lãi cao nhất hệ thống và vốn hóa top 3 trên thị trường chứng khoán.
Ngày 31/03/2018 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) đã tổ chức kỷ niệm 55 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Một trong những ngân hàng thành lập sớm nhất
Tiền thân là Cục Ngoại hối thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Vietcombank được thành lập và chính thức đi vào hoạt động ngày 01/04/1963.
Trước năm 1975, Vietcombank vừa thực hiện sứ mệnh đặc biệt là cung ứng ngoại tệ cho chiến trường miền Nam, phục vụ cho cuộc đấu tranh, thống nhất đất nước, vừa đảm đương nhiệm vụ thanh toán quốc tế cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Sau ngày miền Nam giải phóng, Vietcombank tiếp quản hệ thống ngân hàng của chế độ cũ, đấu tranh với các ngân hàng nước ngoài, thu về cho quốc gia một khối lượng tài sản, vốn ở nước ngoài lên tới hàng trăm triệu đô la Mỹ, góp phần vào công cuộc tái thiết và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Thời kỳ đất nước bước vào xây dựng và đổi mới, Vietcombank đã từng bước tiếp cận, hội nhập với thị trường tài chính, tiền tệ thế giới; thực hiện tốt vai trò bảo lãnh, hỗ trợ xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong nước, tham gia tài trợ nhiều dự án trọng điểm quốc gia, thực thi chính sách tiền tệ của NHNN, góp phần vào việc ổn định tiền tệ, kiềm chế lạm phát, điều hành tỷ giá và tăng cường dự trữ ngoại tệ quốc gia…
NHTM Nhà nước lên sàn sớm nhất, giá trị IPO kỷ lục
Vietcombank là đơn vị đầu tiên trong lĩnh vực ngành ngân hàng thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Ngày 26/12/2007, ngân hàng phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với giá bình quân xấp xỉ 108.000 đồng/cổ phiếu. Còn nhớ khi ấy, dù thị trường chứng khoán đi xuống liên tiếp từ đỉnh gần nhất 1.100 điểm xuống còn hơn 900 điểm. Tuy vậy, bất chấp sự đi xuống của thị trường, Vietcombank vẫn có sức hấp dẫn quá lớn đối với đông đảo giới đầu tư, khi có tới gần 10.000 người tham gia đợt IPO này.
Sự kiện IPO đã giúp mang lại nguồn thu từ thặng dư phát hành cho NSNN lên tới gần 10.000 tỷ đồng– con số kỷ lục đối với một đợt IPO trên thị trường chứng khoán Việt Nam, mà theo đánh giá của các chuyên gia và nhà đầu tư, là chưa biết đến khi nào mới phá được.
Vụ M&A lớn nhất khu vực
Tháng 9/2011, Vietcombank đã tạo một bước ngoặt quan trọng thông qua việc ký kết Hợp đồng cổ đông chiến lược với Mizuho Corporate Bank.
Theo hợp đồng ký kết, Mizuho chính thức sở hữu 15% vốn tính trên số cổ phiếu đã phát hành, đang lưu hành Của Vietcombank. Khoản đầu tư này tương đương 567,3 triệu USD tức 11.800 tỷ đồng – là con số lớn nhất từ trước tới nay trong hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) tại Việt Nam, cũng là thương vụ M&A lớn nhất khu vực.
Ngân hàng lãi cao nhất, môi trường làm việc tốt nhất
Trong chặng đường phát triển, giai đoạn 2013 – 2018 Vietcombank ghi nhận những kết quả ấn tượng nhất.
Theo đó tổng tài sản đến cuối năm 2017 đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cuối năm 2013. Lợi nhuận trước thuế lần đầu tiên vượt mốc 10 nghìn tỷ đồng, đạt 11.337 tỷ đồng, là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam đạt dấu mốc này.
Cùng với quy mô, chất lượng hoạt động của Vietcombank cũng được chú trọng khi là ngân hàng đầu tiên xử lý sạch nợ xấu tại VAMC (năm 2016) và có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong số các ngân hàng lớn.
Tổng số thuế Vietcombank nộp cho ngân sách Nhà nước trong 5 năm (2013 – 2017) đạt gần 11.600 tỷ đồng, tổng cổ tức nộp vào NSNN trong giai đoạn này đạt trên 10.600 tỷ đồng đưa tổng số tiền nộp vào ngân sách lên trên 22.200 tỷ đồng.
Đồng thời, Vietcombank cũng là ngân hàng có năng suất lao động tốt nhất trong nhóm ngân hàng nội các năm trở lại đây, và là ngân hàng có môi trường làm việc tốt nhất nhóm ngân hàng theo khảo sát của Anphabe phối hợp với Nielsen.
Vốn hóa cao nhất nhóm ngân hàng, top 3 thị trường chứng khoán
Ngày IPO, cổ phiếu của Vietcombank đạt 108.000 đồng. Sau các đợt chia tách từ đó tới nay thì mức giá IPO được điều chỉnh xuống còn khoảng 54.700 đồng. Từ đó đến nay, cổ phiếu của Vietcombank liên tục dẫn đầu nhóm ngân hàng, hiện mức trên 70.000 đồng.
Và với mức giá này, tính đến hết tháng 3/2018, quy mô vốn hóa của cổ phiếu Vietcombank đạt hơn 253 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4 lần so với đầu năm 2013, đưa Vietcombank giữ vị trí số 1 về quy mô vốn hóa trong ngành và nằm trong top 3 doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo Trí thức trẻ