Vietbank có 2 kịch bản tăng trưởng nhưng đều khiêm tốn, thậm chí "phú quý giật lùi"
Ngày 14/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (Vietbank) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2018. Nội dung họp có nhiều tờ trình khá bất ngờ.
Theo báo cáo đã được kiểm toán, năm 2017 lợi nhuận trước thuế của Vietbank bất ngờ tăng vọt lên 263 tỷ, gấp 3,7 lần năm 2016 và vượt xa kế hoạch năm là 228 tỷ. Trong đó đóng góp lớn đến từ mức tăng trưởng 67,6% của thu nhập lãi thuần.
Tuy vậy năm 2018, Vietbank lại đưa ra 2 kịch bản, trong đó một là “tối thiểu”, một là “phấn đấu”, và cả hai đều khá khiêm tốn so với tăng trưởng đạt được trong năm 2017, cụ thể lợi nhuận trước thuế ở mức 97 tỷ đồng và mục tiêu phấn đấu là 300 tỷ đồng (chênh lệch khá lớn giữa 2 kế hoạch).
Ở kịch bản thứ nhất, kế hoạch kinh doanh tối thiểu mà Vietbank đặt ra dựa trên điều kiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 là 11% – là mức mà NHNN giao.
Tổng tài sản dự kiến đạt 48.000 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Dư nợ cho vay dự kiến đạt 31.900 tỷ đồng, huy động từ khách hàng là 39.900 tỷ đồng, tăng lần lượt 11% và 27%. Lợi nhuận trước thuế tối thiểu đạt được sẽ ở mức 97 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với năm 2017.
Kịch bản thứ hai là kế hoạch kinh doanh “phấn đấu” với điều kiện NHNN chấp thuận cho tăng trưởng tín dụng lên đến 32%. Nếu vậy, tổng tài sản dự kiến tăng 30%, đạt 54.000 tỷ đồng, huy động vốn tăng 51%, lợi nhuận trước thuế tăng 14% đạt 300 tỷ đồng.
Ngoài lợi nhuận, trong năm 2018 Vietbank cũng có kế hoạch hoàn tất và triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, hoàn tất thủ tục thành lập thêm 18 điểm giao dịch (5 chi nhánh và 13 phòng giao dịch) trên toàn quốc.
Là một ngân hàng nhỏ với tài sản dưới 50 nghìn tỷ, vốn điều lệ 3.200 tỷ nhưng Vietbank đang có ý định mua đứt tòa nhà LIM II. Đây là một thông tin khá gây bất ngờ bởi dự kiến ngân hàng sẽ phải chi khoảng 1.400 tỷ đồng để đầu tư cho bất động sản này.
Qua tìm hiểu, tòa nhà LIM II là tài sản thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Chợ Đũi, được thành lập năm 2011 do Công ty Bất động Sản Nhất Khang và CTCP Đầu tư Phát triển Hoa Lâm góp vốn. Trong đó, Tập đoàn Hoa Lâm được sáng lập bởi vợ chồng ông Dương Ngọc Hòa (Chủ tịch HĐQT Vietbank), bắt đầu tham gia vào thị trường tài chính khi đầu tư số vốn lớn tại Vietbank từ năm 2006.
Diệp Trần
Theo Trí thức trẻ