Việt Nam phải làm gì để nền kinh tế không “vỡ trận”

Cần phải làm song song cả hai việc: Thứ nhất, dập dịch triệt để, ngăn chặn dịch lan rộng; Thứ hai, bảo đảm và phát triển ổn định kinh tế. Chúng ta buộc phải làm song song hai việc này để nền kinh tế không lâm vào tình trạng “vỡ trận”, chứ không phải ưu tiên nhiệm vụ nào trước, nhiệm vụ nào sau.

Trong bối cảnh đại dịch COVID- 19 lan rộng ra hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện nay, nhiều giải pháp chống dịch quyết liệt được Chính phủ triển khai như tạm dừng miễn thị thực (visa) cho 8 nước châu Âu từ ngày 12/3, buộc cách ly với các nhóm đối tượng có nguy cơ…

Nhiều ý kiến lo ngại điều này sẽ gây tổn hại tới phát triển kinh tế của Việt Nam, thậm chí đánh mất cơ hội phát triển. Báo Đại biểu Nhân dân đã ghi nhận góc nhìn của các chuyên gia về nội dung này.

Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế

Theo ông Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam: Với dịch bệnh lần này, chúng ta đã huy động tổng lực chống dịch theo tinh thần tuyệt đối của Trung ương là không chủ quan, lơ là nhưng cũng không được hoang mang, dao động.

Hiện dịch diễn biến phức tạp, hơn 100 nước có ca bệnh nên nguy cơ lây lan ở nước ta rất cao. Thực tế, dịch đã ảnh hưởng đến nhiều địa phương nhưng vẫn trong tầm kiểm soát do chúng ta xác định được nguồn lây và tổ chức cách ly, nhưng để dập dịch thành công rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Việc thực hiện khai báo y tế tự nguyện sẽ giúp phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng ổ dịch kịp thời trong trường hợp có ca bệnh, đồng thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Nguyên tắc quan trọng trong phòng dịch là phát hiện dịch bệnh tại chỗ, tổ chức cách ly ngay, dập dịch, khoanh vùng gọn – điều kiện tiên quyết để tránh bùng phát. Thực tế, chúng ta đã làm tốt và được thế giới đánh giá cao. Lúc này, tôi cho rằng quan trọng là chúng ta nâng cao tinh thần chủ động hơn, đưa ra cảnh bảo sớm. Đặc biệt, phải kiểm soát chặt chẽ mọi người đi từ vùng dịch về, ai mắc bệnh, ai nghi ngờ phải kịp thời phát hiện, cách ly, khoanh vùng, xứ lý sớm.

Hiện, có ý kiến lo ngại nếu chúng ta làm quyết liệt sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Hồi họp Chính phủ tháng 2, quan điểm của Chính phủ là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Tôi cho rằng, chúng ta vẫn đang tiến hành hợp lý ở từng nơi, theo tình hình dịch bệnh cụ thể, số lượng, phạm vi từng khu vực để không ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội.

Nếu dịch lan rộng, thiệt hại kinh tế còn lớn hơn

Theo ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Cho đến giờ, Chính phủ đã thực hiện rất quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch. Việc tạm dừng miễn thị thực (visa) với 8 nước châu Âu (gồm Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha) từ ngày 12/3 đã được cân nhắc kỹ.

Không chỉ Việt Nam, các nước cũng thực hiện những biện pháp như vậy để ngăn dịch lan rộng. Có thể nói trong công tác chống dịch hiện nay, chưa có dấu hiệu của sự “làm quá” hay “vỡ trận” gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của Việt Nam.

Dịch tác động đến nền kinh tế đã rất rõ, nhiều ngành nghề bị tổn thất lớn, từ hàng không, du lịch, bất động sản, xuất khẩu hàng hóa cho đến các chuỗi cung ứng… Theo dự đoán, trong tháng 3, khi dự trữ vật tư cho sản xuất bị thiếu hụt, tình hình sẽ còn gay gắt hơn chứ không chỉ dừng lại ở mức này.

Trong các cuộc họp chỉ đạo phòng chống dịch, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ quan điểm hiện nay là chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe người dân, không để dịch lan rộng. Nếu dịch lan rộng, thiệt hại kinh tế còn lớn hơn. Vì vậy, hãy cứ thực hiện theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ, quán triệt chống dịch bằng các biện pháp quyết liệt và đồng bộ nhất.

Dịch bệnh COVID-19 chỉ là tạm thời, cái giá mà chúng ta đánh đổi trong thời điểm hiện tại sẽ được đền bù bằng lợi ích, bằng sự phát triển kinh tế lâu dài chứ không phải hy sinh vô ích.

Có bao nhiêu “võ” phải tung ra hết

Ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới cho rằng: Trong tình hình hiện nay, chúng ta có bao nhiêu “võ” để khống chế và xóa dịch thì cần phải làm hết mức có thể. Bởi nếu không ngăn chặn được dịch sẽ ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe của nhân dân mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Trong thời điểm hiện tại, Chính phủ đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể, trong giai đoạn 1 ứng phó với dịch, Việt Nam đã chữa thành công hoàn toàn 16/16 ca nhiễm bệnh. Trong giai đoạn 2 với diễn biến dịch phức tạp, kỳ vọng Chính phủ có thể làm tốt, không để dịch lan ra cả nước.

Tuy nhiên vấn đề đáng lo ngại hơn là dịch bệnh đã lan rộng ra thế giới, và nó trực tiếp tác động đến Việt Nam. Cụ thể, dịch đã tác động đến hầu hết các ngành nghề từ hàng không, du lịch cho đến tiêu dùng, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất ở Việt Nam hiện đều “mắc kẹt”. 

Do vậy, hiện nay cần phải làm song song cả hai việc. Nhiệm vụ thứ nhất là dập dịch triệt để, ngăn chặn dịch lan rộng, bảo đảm sức khỏe và tính mạng cho người dân. Trách nhiệm này thuộc về Bộ Y tế phối hợp với sự lãnh đạo và dẫn dắt của Chính phủ. Nhiệm vụ thứ hai là bảo đảm và phát triển ổn định kinh tế. Đây là nhiệm vụ mà Thủ tướng đã khẳng định. Chúng ta buộc phải làm song song hai việc này để nền kinh tế không lâm vào tình trạng “vỡ trận”, chứ không phải ưu tiên nhiệm vụ nào trước, nhiệm vụ nào sau.

Theo Bizc.vn

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *