Việt Nam nên ứng xử thế nào trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung?

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang ngày càng gia tăng và có dấu hiệu lan rộng sang cả cuộc chiến tiền tệ khi đồng yuan của Trung Quốc không biết vô tình hay hữu ý đã giảm giá đáng kể so với USD trong mấy tuần gần đây.

Về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, không ít người thậm chí còn lạc quan, cho rằng đây là cơ hội tốt cho Việt Nam vì dòng thương mại và đầu tư thế giới chuyển dịch theo hướng có lợi cho Việt Nam.

Về cuộc chiến tiền tệ đang có xu hướng hình thành, đa phần nghiêng về phía ủng hộ việc ổn định tỷ giá bởi cho rằng nếu Việt Nam phá giá tiền đồng thì sẽ lạm tăng áp lực lạm phát, đồng thời gây tổn hại cho nền kinh tế vì nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, vốn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi tiền đồng yếu đi.

Những ý kiến trên có phần đúng nếu nhìn từ góc độ hẹp. Quả thật, trên nguyên tắc, nếu Mỹ và Trung Quốc gây cản trở đến xuất khẩu của nhau bằng hàng rào thuế quan thì những nước thứ ba sẽ là “ngư ông đắc lợi”. Nhưng vấn đề là Mỹ và Trung Quốc sẽ có nhiều khả năng không chỉ dừng lại ở việc trừng phạt lẫn nhau mà còn trừng phạt cả những nước thứ ba, kể cả đồng minh và/hoặc thành viên của các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Bởi nếu xuất khẩu của một nước thứ ba vào Mỹ và/hoặc Trung Quốc tăng lên mạnh, trong khi xuất khẩu của 2 nước này vào nước thứ ba đó không tăng lên tương ứng thì họ sẽ không chịu đứng yên để nhìn nước khác làm “ngư ông”, tận dụng cơ hội trời cho để khai thác thị trường nội địa của họ, bóp nghẹt công nghiệp bản địa, và phải chứng kiến thâm hụt thương mại song phương tăng lên từng ngày, từng tháng, hệt như cách mà Mỹ hiện tại đang nhìn nhận về Trung Quốc.

Đến lượt mình, các nước thứ ba khi bị Mỹ, Trung Quốc và những nước khác áp đặt thuế quan lên hàng hóa xuất khẩu của mình sẽ vận dụng cùng công cụ để trả đũa và bảo vệ thị trường trong nước. Cứ thế nhân lên, cuộc chiến thương mại sẽ sớm chuyển từ song phương (giữa Mỹ và Trung Quốc) lan rộng ra trên quy mô khu vực và toàn cầu, và đây chính là cơ chế nổ ra chiến tranh thương mại từ trước đến nay. Bởi vậy người ta mới đúc kết rằng chiến tranh thương mại thường bị mất kiểm soát, và không mang lại lợi ích cho bất cứ ai, kể cả nước châm ngòi.

Việt Nam cũng không thể nằm ngoài vòng ảnh hưởng tiêu cực của cuộc chiến đang có nguy cơ lan rộng này, và về tổng thể thì vẫn cần thừa nhận và chuẩn bị đón nhận hại nhiều hơn lợi. Dự báo tăng trưởng kinh tế trong những quý tới vì thế cũng cần phải được điều chỉnh cho phù hợp chứ không nên lạc quan một cách vô căn cứ.

Về cuộc chiến tiền tệ đang manh nha hình thành, nếu một cuộc chiến như vậy thực sự xảy ra thì, cũng giống như chiến tranh thương mại, sẽ cuốn theo nhiều nước khác và gây hại cho tất cả các bên liên đới, cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Như vậy, Việt Nam cũng sẽ không thể đứng ngoài vòng xoáy, với chính sách tiền tệ và tỷ giá theo kiểu “một mình một chợ” được.

Cụ thể, trong bối cảnh có chiến tranh thương mại và/hoặc chiến tranh tiền tệ, khi các nước đua nhau phá giá bản tệ để bảo toàn tính cạnh tranh của xuất khẩu và bảo vệ thị trường trong nước, nếu chúng ta vẫn ổn định tỷ giá thì chẳng khác gì “tự chặt chân mình”, tự tước đi của mình một trong số rất ít công cụ tự vệ có thể sử dụng được.

Trên hết, cần phải hiểu rằng không phải tự nhiên mà các nước phải chấp nhận và sẵn sàng bị cuốn vào cuộc chiến tiền tệ dù ai cũng hiểu rằng kết cục thì chẳng có nước nào được lợi (khi châm ngòi chiến tranh tiền tệ). Logic của chuyện này đơn giản chỉ là nếu không phá giá bản tệ thì nền kinh tế còn bị thiệt hại nhiều hơn, nhanh hơn!

Trước đây quan niệm về phá giá ở Việt Nam cũng rất nặng nề, luôn nhìn theo chiều hướng tiêu cực để rồi ủng hộ NHNN can thiệp bằng cách bán USD từ quỹ dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá. NHNN dưới nhiều áp lực và bản thân cũng có thể có cùng quan niệm nên cũng đã “quyết liệt” bảo vệ tỷ giá. Nhưng cuối cùng thì việc phá giá VND vẫn đã phải diễn ra, và một khi đã diễn ra thì tỷ giá không mấy khi quay trở lại vạch xuất phát nữa. Điều này có nghĩa là tỷ giá (ổn định) trước đó là không có cơ sở nên không thể tồn tại được.

Điều đáng nói ở đây là bất chấp việc phá giá như vậy nhưng tăng trưởng kinh tế và các chỉ số kinh tế vĩ mô lại có chiều hướng được cải thiện chứ không phải xấu đi như luôn được cảnh báo mỗi khi có nguy cơ phải phá giá. Điều đó chứng tỏ rằng phá giá bản tệ không phải là “con ngoáo ộp”.

Và, quan trọng không kém, việc phải chấp nhận phá giá (không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới) cho thấy khi có áp lực phải phá giá có nghĩa là các điều kiện nền tảng trong và ngoài nước đang diễn ra theo hướng bất lợi cho nền kinh tế bản địa, đòi hỏi nhà quản lý phải có những điều chỉnh kịp thời  trong chính sách của mình theo hướng tối ưu nhất, mà tốt nhất là “nương theo”, chứ không phải là chống lại thị trường.

Khi áp lực phá giá đã mạnh đến một ngưỡng nào đó thì những chính sách cứng rắn như quyết tâm bảo vệ đến cùng tỷ giá bằng cách tung dự trữ ngoại hối ra can thiệp trên thị trường chắc chắn không phải là chính sách tối ưu.

Có thể nhiều người nhìn vào quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam được công bố lên đến 63 tỷ USD để lập luận rằng NHNN hoàn toàn có đủ khả năng can thiệp, ổn định tỷ giá. Điều này có thể là đúng, nhưng chỉ đúng trong ngắn hạn! Thời gian thực hiện và duy trì được ổn định tỷ giá theo ý muốn, bất chấp đòi hỏi của thị trường như vậy chỉ tính được theo tháng.

Bởi, quỹ dự trữ ngoại hối này cũng chỉ nhỉnh hơn mức an toàn tối thiểu là 3 tháng một chút nên nếu bỏ ra vài tỷ USD trong một, hai tháng để ổn định tỷ giá thì còn được chứ không thể kéo dài cả quý, cả năm được. Ngay như Trung Quốc với quỹ dự trữ ngoại hối vài nghìn tỷ USD mà cũng đã nhiều phen phải chật vật chống đỡ với áp lực phá giá đồng yuan (đặc biệt kể từ nửa sau của năm 2014 khi USD bắt đầu mạnh lên), để rồi cũng phải chấp nhận một đồng yuan yếu đi nhiều sau đó.

Hơn nữa, việc bảo vệ tỷ giá không mang lại lợi ích gì nếu rốt cuộc sau đó một vài tháng vẫn phải phá giá, trong khi, như đã nói ở trên, việc duy trì cứng nhắc tỷ giá trong bối cảnh các nước khác phá giá chỉ tự mình làm thiệt mình mà thôi.

Tất nhiên, khi chấp nhận “nương theo chiều gió”, điều chỉnh tỷ giá để tiền đồng yếu đi một mức độ nào đó, Việt Nam vẫn có, vẫn còn những giải pháp đối phó với các ảnh hưởng tiêu cực của việc điều chỉnh tỷ giá này.

Ví dụ, để giảm áp lực lạm phát do tiền đồng yếu đi, cần tính đến chuyện tăng lãi suất. Hậu quả của tăng lãi suất, nếu có, lên tăng trưởng GDP có thể được bù đắp nhờ xuất khẩu được duy trì còn nhập khẩu thì được kiềm chế (nên nhớ rằng xuất khẩu ròng (= xuất khẩu – nhập khẩu) là một cấu thành, và vì thế là một trong những yếu tố quyết định tốc độ tăng trưởng của GDP).

Phát triển thị trường nội địa và thị trường của các nước thành viên các hiệp định thương mại tự do cũng là hướng đi cho các chính sách đối phó của Việt Nam với chiến tranh thương mại và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Về tâm lý nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư, đặc biệt là FDI, sẽ an tâm khi nền tảng kinh tế vĩ mô vẫn được giữ ổn định nhờ lạm phát được kiềm chế, xuất khẩu và GDP vẫn tăng trưởng khả quan, không có thâm hụt thương mại vốn dẫn đến áp lực vay nợ nước ngoài và phá giá bản tệ hơn nữa  v.v… Những nền tảng này có được một phần lại chính nhờ việc phá giá bản tệ kịp thời, đúng lúc, đúng mức độ.

TS. Phan Minh Ngọc

Theo Nhịp sống kinh tế

[elementor-template id=”16904″]

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…