Việt Nam nằm trong nhóm đáng xem nhất ở U23 châu Á 2020
Trang chủ Liên đoàn bóng đá châu Á đưa Việt Nam – UAE vào danh sách năm trận đấu đáng chờ đợi ở vòng bảng U23 châu Á 2020.
Việt Nam – UAE (bảng D, ngày 10/1)
Khác với thân phận lót đường năm 2018, Việt Nam sẽ bắt đầu giải năm nay ở một vị thế khác. Sau thành công với ngôi vị á quân tại Thường Châu (Trung Quốc), đoàn quân của HLV Park Hang-seo nối dài chuỗi ngày vui qua các giải Asiad 2018 (vào bán kết), AFF Cup 2018 (vô địch), Asian Cup 2019 (tứ kết), vòng loại World Cup (dẫn đầu bảng G), SEA Games 2019 (vô địch) và họ có lý do để chờ đợi thành công tiếp theo ở giải đấu tại Thái Lan.
Trong cuộc đối đầu gần nhất, tại cấp độ đội tuyển quốc gia hồi tháng 11/2019, Việt Nam giành chiến thắng 1-0 ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Nhưng ở trận đấu trước đó – trận tranh giải Ba Asiad 2018, U23 UAE được tận hưởng niềm vui (thắng 4-3 bằng thi đá luân lưu).
Sự chênh lệch không lớn đó báo hiệu một cuộc đối đầu hấp dẫn sắp tới. Nếu chiến thắng, thầy trò HLV Park Hang-seo không chỉ tiếp tục quỹ đạo đi lên, mà còn khẳng định sự thay đổi quyền lực trên bình diện bóng đá châu lục.
Thái Lan – Bahrain (bảng A, ngày 8/1)
Với vai trò chủ nhà, Thái Lan đang mong đợi rất nhiều ở đội tuyển U23. Việc thuê HLV danh tiếng Akira Nishino cũng nằm trong kế hoạch chinh phục giải đấu cấp châu lục của họ.
Theo AFC, trận ra quân gặp Bahrain có thể là bước khởi đầu đóng vai trò quyết định với Thái Lan. Nếu thắng, đội chủ nhà sẽ có thêm tự tin đấu hai trận còn lại với Australia và Iraq. Bằng không, họ khó lòng vượt qua vòng bảng.
Trong khi đó, giới chuyên môn dự báo Bahrain có thể là một chú “ngựa ô”. Họ sở hữu nhiều cầu thủ thi đấu ở cấp đội tuyển vốn đang thành công với hai danh hiệu trong năm 2019 là chức vô địch Tây Á và Cup vùng Vịnh. Hồi tháng 10, hai cầu thủ Mohamed Al Hardan, Ahmed Bughammar thậm chí đều ghi bàn vào lưới đối thủ mạnh Iran.
Giống Thái Lan, Bahrain sẽ nỗ lực trên 100% để giành chiến thắng. Ba điểm trong trận đầu sẽ là bước tiến quan trọng trong cuộc cạnh tranh với Australia và Iraq.
Trung Quốc – Uzbekistan (bảng C, ngày 12/1)
Một chiến thắng và tám thất bại là những gì Trung Quốc đã trải qua ở vòng bảng ba giải gần nhất. Trong đó, năm 2014 và 2018, họ hai lần tay trắng trước Uzbekistan.
Tại giải năm nay, Trung Quốc đang mong cầu một kết quả có lợi hơn trước đối thủ Trung Á, nhất là khi phải gặp ứng viên vô địch hàng đầu Iran ở lượt trận cuối cùng.
Uzbekistan hiểu bảo vệ danh hiệu là một nhiệm vụ khó khăn. Những ngôi sao hai năm trước như Dostonbek Khamdamov, Odiljon Xamrobekov, Zabikhillo Urinboev đều đã quá tuổi. Việc thế hệ kế cận có đối phó được với áp lực hay không còn là một câu hỏi.
Tương tự Trung Quốc, trước trận cuối với Hàn Quốc, Uzbekistan cần giành chiến thắng để chuẩn bị tốt hơn. Họ không chỉ cần vào tứ kết, mà còn muốn tránh kết cục nhà vô địch đầu tiên bị loại ở vòng bảng giải tiếp theo.
Trận Qatar – Nhật Bản (bảng B, ngày 15/1).
Trận đấu giữa hai đội tuyển cấp độ U23 là phiên bản khác của trận chung kết Asian Cup tròn một năm trước, nơi tuyển Qatar giành chiến thắng 3-1. Lần này, HLV Felix Sanchez Bas sẽ tiếp tục hướng đến chiến thắng. Trong tay ông đang có những tài năng mới như Tarek Salman, Nasser Al Ahrak hay Hassan Palang, cầu thủ ghi nhiều bàn nhất vòng loại.
Trong khi đó, như mọi lần, Nhật Bản không có mục tiêu gì ngoài chức vô địch. Họ luôn có một đội tuyển trẻ mạnh mẽ, dựa trên hệ thống đào tạo hay bậc nhất châu Á. Với HLV Hajime Moriyasu, trận đấu với Qatar cũng sẽ là cơ hội để ông đòi món nợ thua ở cấp đội tuyển năm ngoái.
Nhật Bản có một điều kiện thuận lợi là không phải chịu sức ép. Do là chủ nhà của Olympic 2020, họ không cần vào Top 3 giải U23 châu Á để giành vé tham dự.
Uzbekistan – Hàn Quốc (bảng C, ngày 15/1)
Một trong những điều gây chú ý nhất trong lễ bốc thăm vòng bảng là việc đương kim vô địch Uzbekistan nằm cùng bảng với Hàn Quốc, đội có mặt ở bán kết cả ba giải trước. Do nằm cùng bảng còn có Trung Quốc và Iran, trận Uzbekistan – Hàn Quốc có thể sẽ quyết định khả năng đi tiếp của cả hai đội.
Ngoài ý nghĩa tranh chấp vé vào tứ kết, trận đấu còn tái hiện vòng bán kết hai năm trước. Trận đó, “Sói trắng” đè bẹp Hàn Quốc với tỷ số 4-1. Họ ghi được ba bàn trong hiệp phụ khiến đối thủ choáng váng. Hơn bao giờ hết, Hàn Quốc muốn rửa mối hận này.
Ảnh: AFC