Việt Nam cần hành động nhanh hơn nữa trong cuộc đua đón làn sóng dịch chuyển đầu tư sau dịch
Được cộng đồng quốc tế ca ngợi là hình mẫu trong phòng chống dịch Covid – 19, hiện uy tín và vị thế của Việt Nam đang được nâng cao đáng kể và đây thực sự là cơ hội vàng để thế giới biết tới dải đất hình chữ S như một điểm đến đầu tư an toàn, giàu triển vọng.
Tuy nhiên theo Giáo sư Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), trong cuộc đua đón dòng vốn FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc không chỉ có tay đua Việt Nam mà còn nhiều đối thủ nặng ký khác ở châu Á
Đơn cử như Ấn Độ đã thực hiện chiến lược đi tắt đón đầu khi tung nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp muốn chuyển khỏi Trung Quốc. Cụ thể trong tháng 4, Chính phủ nước này đã tiếp cận hơn 1.000 công ty Mỹ và đưa ra các ưu đãi với các doanh nghiệp đang cân nhắc chuyển khỏi Trung Quốc; trong đó dành ưu tiên hàng đầu cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thiết bị y tế, chế biến thực phẩm, dệt may, da và phụ tùng xe hơi. Giới chức Ấn Độ đã thuyết phục các doanh nghiệp FDI rằng mặc dù tổng chi phí đầu tư tại Ấn Độ cao hơn Trung Quốc song nếu xét trên khía cạnh đất đai, lao động lành nghề thì Ấn Độ vẫn có lợi thế hơn so với Mỹ hay Nhật Bản. Họ cũng cam kết sẽ cân nhắc các yêu cầu cụ thể về thay đổi luật lao động cũng như cân nhắc đề xuất hoãn áp thuế giao dịch trực tuyến của các hãng thương mại điện tử.
Không chịu lép vế trước Ấn Độ, Thái Lan cũng quyết liệt nhập “đường đua” bằng loạt chính sách thu hút đầu tư mới gồm các biện pháp về thuế, sửa đổi Luật Kinh doanh nhằm nới lỏng quy định với đầu tư nước ngoài.
Giữa năm 2019, Malaysia cũng đã ký thông qua chương trình hỗ trợ đầu tư quy mô khoảng 1 tỷ ringgit (khoảng 240 triệu USD) trong 5 năm. Chương trình hỗ trợ này nhắm đến các doanh nghiệp nước ngoài và các công ty mới đã lựa chọn Malaysia làm điểm đến đầu tư, trong đó bao gồm gói giảm thuế và hỗ trợ tài chính.
Indonesia – nước đông dân nhất Đông Nam Á cũng không nằm ngoài cuộc đua cạnh tranh thu hút các doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc. Cuối tháng 10/2019, Tổng thống Koko Wikodo đã yêu cầu Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề kinh tế tính đến phương án giúp nâng tối đa vị thế của Indonesia trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mặc dù đánh giá Việt Nam là một điểm đến đầy hứa hẹn song ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam cũng nhận định không phải tất cả ngành sản xuất đều có thể dễ dàng chuyển sang Việt Nam. “Mặc dù lương công nhân sản xuất tại Trung Quốc cao gấp ba lần Việt Nam song trình độ tay nghề của họ cũng cao hơn. Nguồn lực lao động của Trung Quốc cũng rất dồi dào với lượng lao động công nghiệp di cư còn cao hơn cả dân số Việt Nam. Hơn nữa, một khối lượng lớn ngành hàng sản xuất là để phục vụ thị trường nội địa Trung Quốc” – ông Stephen Wyatt nhấn mạnh.
Bên cạnh bất lợi về nguồn nhân lực, không phải ngành, lĩnh vực sản xuất nào của Việt Nam cũng sẵn sàng đón nhận thời cơ. Điển hình là công nghiệp hỗ trợ khi ngành này được dự báo “đón nhận ít thông tin lạc quan từ vận hội mới”.
Bà Trương Thị Chí Bình – Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết việc chuyển giao sản xuất, mua hàng sang quốc gia thứ 3 ngoài Trung Quốc đã được các tập đoàn đa quốc gia tìm kiếm trong vài năm trở lại đây. Tuy vậy, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam không có nhiều lợi thế cũng như không đáp ứng được các yêu cầu để nhận chuyển giao; trong khi nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… có lợi thế hơn hẳn. Nguyên nhân là do quy mô doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam rất nhỏ, chỉ có thể đáp ứng được các đơn hàng nhỏ và linh kiện rời; chỉ một vài doanh nghiệp có thể sản xuất cả cụm linh kiện; số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đạt yêu cầu về chất lượng rất ít. Kể cả khi đã đạt chất lượng và chủng loại sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh về giá so với Trung Quốc.
Xét trên bình diện chung, thời gian qua Việt Nam cũng đã có nhiều chính sách mang tính đột phá. Nghị quyết 50 về thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn mới đã được thông qua; Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đang được cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung những chính sách mới để thu hút vốn FDI “sạch”, công nghệ cao trong bối cảnh mới. Tuy nhiên theo Giáo sư Nguyễn Mại, để tạo thế cân bằng với các đối thủ cạnh tranh trong cuộc đua đón làn sóng dịch chuyển đầu tư sau dịch, Việt Nam cần hành động nhanh hơn nữa.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cũng khuyến nghị “Việt Nam phải chủ động tiến công vào chuỗi cung ứng mới, chứ không phải chỉ chờ họ tìm đến chúng ta để hình thành chuỗi giá trị”.
Theo BizC.vn