Vì sao thị thực điện tử không thể thay thế chính sách miễn visa
Trên thế giới chính sách miễn visa và visa điện tử được thực hiện song song, trong đó nhiều nước chọn miễn thị thực là “vũ khí” cạnh tranh.
Chính sách miễn visa 15 ngày cho 5 nước Tây Âu có hiệu lực từ 1/7/2015, sau hai lần gia hạn sẽ hết hiệu lực ngày 30/6 tới. Anh, Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha cũng nằm trong danh sách 46 nước áp dụng visa điện tử (e-visa) từ ngày 1/2/2017. Như vậy, trong trường hợp không tiếp tục miễn, nhóm khách này vẫn có thể được cấp e-visa sau 3 ngày làm thủ tục.
Tuy nhiên, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng thị thực điện tử không thể thay thế chính sách miễn visa. Theo Tiến sĩ Lương Hoài Nam, thành viên TAB, e-visa trên thực tế vẫn là thủ tục visa, tức cần giấy tờ và đóng phí. Điều này không đủ tạo sự hấp dẫn để hút khách nước ngoài như chính sách miễn visa.
“Top 6 nước dẫn đầu về du lịch ở Đông Nam Á đều mở rộng chính sách miễn visa lên đến 169 nước, trong khi Việt Nam chỉ 24 nước. Nếu chúng ta không cởi bỏ nút thắt này, du lịch Việt Nam rất khó cạnh tranh”, ông Nam nói.
Tài liệu TAB cung cấp. |
Chia sẻ về câu chuyện của những người bạn, ông Colin Pine, Trưởng nhóm công tác du lịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), cho biết thường nghe họ hỏi về việc du lịch Việt Nam có phải xin visa hay không? Tại sao các nước khác miễn cho họ mà Việt Nam lại không?
“Họ hỏi tôi lý do phải đến Việt Nam khi nước này không miễn visa cho họ. Tôi có nói Việt Nam đẹp lắm nhưng không thuyết phục được. Bởi họ không đến Việt Nam thì sẽ đi nhiều nước khác, nơi chào đón họ”, ông Colin kể.
Ông Trần Trọng Kiên, thành viên Ban IV, cũng cho rằng visa không phải là tất cả nhưng là vấn đề đầu tiên du lịch cần giải quyết để tạo cú hích phát triển. Đây cũng là một trong ba điểm nghẽn phải cải thiện đối với ngành du lịch, được nhắc đến tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF), và chỉ thị 24 của Thủ tướng để phát triển kinh tế năm 2017.
“So với các điểm yếu khác như hạ tầng cơ sở, môi trường, quảng bá xúc tiến thì visa là vấn đề có thể cải thiện ngay và đem lại hiệu quả lớn, có khả năng lan toả đến các ngành nghề khác”, ý kiến từ TAB.
Các thành viên của TAB và Ban IV đều đồng nhất quan điểm miễn visa không có nghĩa là khách đương nhiên được vào Việt Nam. Ví dụ Singapore, đất nước này mở cửa cho công dân 159 quốc gia, họ vẫn có quyền từ chối nhập cảnh với những đối tượng nằm trong danh sách đen. Với quan điểm miễn visa song phương, có đi có lại trong quan hệ ngoại giao, theo ông Nam “đó không phải là cách nhìn của thế giới về visa du lịch”.
Ông Kiên ước tính, nếu dừng chính sách miễn visa với khách Tây Âu, thiệt hại cho các doanh nghiệp là rất lớn: “Khách sẽ bỏ qua Việt Nam vào mùa hè này, ước chừng số lượng có thể giảm 20%”. Khi đó sẽ kéo theo rủi ro dài hạn về các nhà đầu tư hạ tầng như resort, condotel…
Do đó, ngoài gia hạn, điều chỉnh chính sách miễn visa hiện nay, TAB và Ban IV vừa gửi thư lên Thủ tướng đề xuất bổ sung 6 nước được vào danh sách miễn, thêm 4 nước vào danh sách áp dụng e-visa và triển khai chính sách miễn visa quá cảnh cho khách có vé máy bay đi Australia, châu Âu và ngược lại.
Theo : vnexpress.net