Vì sao cháu ruột “bà trùm” Hứa Thị Phấn có 2 lời khai?
Điều này được bị cáo Ngô Kim Huệ, cựu thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín trả lời trong phần xét hỏi chiều 10/5.
Theo đó, luật sư Lưu Văn Tám (bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn ) đã hỏi bị cáo Huệ việc vì sao bị cáo có lời khai khác nhau trước và sau khi bị cáo bị bắt giam.
Bị cáo Huệ cho biết, trong quá trình điều tra, bị cáo được điều tra viên hỏi, bị cáo chỉ biết rằng có trách nhiệm trả lời những việc, những tài sản liên quan đến mình.
“Tuy nhiên, sau khi bị bắt tạm giam, bản thân bị cáo đang mang thai, nhận thấy trách nhiệm là phải thành khẩn và quan trọng hơn là trong quá trình điều tra, bị cáo nhận thấy mình có những sai phạm nên đã khai báo để cơ quan pháp luật xem xét cho bị cáo”, bị cáo Huệ nói tại tòa.
Luật sư Tám hỏi bị cáo Huệ rằng sau khi bị bắt giam, lời khai trong một trạng thái bình thường hay dưới áp lực một sức ép nào. Bị cáo Huệ cho biết, trong các buổi làm việc với cơ quan điều tra mặc dù hơi mệt (do mang thai) nhưng bị cáo khai báo trong tình trạng minh mẫn.
Liên quan đến căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, bị cáo Huệ khai chỉ biết là bà Phấn có nói mua với giá trên 20.000 lượng vàng vào năm 2008.
Bị cáo Huệ cũng cho rằng, thời điểm năm 2012 việc ký vào biên bản họp hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng quyết định cho Ngân hàng Đại Tín mua căn nhà trên với giá 1.260 tỷ đồng từ bà Phấn là hợp lý (trước đó bà Phấn mua hơn 20.000 lượng vàng, tương đương 450 tỷ đồng).
Cháu gái bà Phấn cũng cho biết, trong số hơn 84% cổ phần của bà Phấn sở hữu tại Ngân hàng Đại Tín thì bị cáo Huệ có đứng tên giúp khoảng 10% cổ phần.
Trong kết luận điều tra, Ngô Kim Huệ khai mẹ mình là bà Hứa Thị Thu Cúc (chị gái bà Phấn). Bố Huệ mất sớm, gia đình Huệ được bà Phấn đưa về nhà cưu mang và Huệ được bà Phấn nuôi ăn học và đưa vào làm thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc phụ trách mảng xây dựng cơ bản và một số mảng khác.
Kết quả điều tra cũng ghi rõ Ngô Kim Huệ là đối tượng chính trong vụ án, có vai trò giúp sức tích cực cho bà Phấn thao túng ngân hàng. Vì thế, Huệ phải chịu trách nhiệm cùng với bà Phấn với tổng số tiền là 1.435 tỷ đồng, trong đó có liên quan đến hành vi mua bán, chuyển nhượng lòng vòng căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch và hành vi hạch toán khống 5.256 tỷ đồng.
Kết luận điều tra cũng nêu, trong quá trình điều tra, bà Huệ không hợp tác với cơ quan chức năng để làm rõ hành vi phạm tội của Hứa Thị Phấn và đồng phạm trong việc sử dụng tiền do phạm tội mà có, việc sở hữu tài sản việc đứng tên sở hữu và quản lý khai thác bất động sản giúp Hứa Thị Phấn, cản trở nghiêm trọng việc điều tra và thu hồi tài sản bị thiệt hại.
Chính vì thế, dù lúc này bà Huệ đang mang thai (con thứ 3) nhưng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thay thế biện pháp ngăn chặn từ “Cấm đi khỏi nơi cư trú” thành “Bắt bị can để tạm giam”. Chỉ sau khi bị bắt tạm giam, Ngô Kim Huệ đã nhìn nhận ra hành vi phạm tội của bản thân. Sau đó, tự khai báo về hành vi phạm tội, tự khai báo về việc sở hữu và đứng tên sở hữu, quản lý và khai thác các bất động sản, tài sản khác. Nhờ đó, giúp cơ quan điều tra làm rõ và kê biên, phong toả một số tài sản. Lúc này, VKSND Tối cao đã thay thế biện pháp ngăn chặn từ “bắt tạm giam” thành “Cấm đi khỏi nơi cư trú”.
BizLive
[elementor-template id=”16904″]