"Vàng được xem là ngoại tệ", NHNN nói gì?
Thông tư 22 trong đó đề cập việc vàng được xem là ngoại tệ chỉ hướng dẫn về hạch toán kế toán đối với các tổ chức tín dụng, không điều chỉnh về hoạt động kinh doanh vàng nói chung. Quy định này đã có từ trước đó.
Từ ngày 1/4/2018, Thông tư số 22/2017/TT-NHNN ngày 29/12/2017 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng. Việc ban hành thông tư này trong có đó nội dung “vàng được coi là một loại ngoại tệ” đã gây ra lo ngại về việc điều chỉnh hoạt động kinh doanh vàng.
Tuy nhiên, NHNN đã lên tiếng khẳng định việc coi vàng là một loại ngoại tệ được sử dụng “trong hạch toán kế toán và khi quy đổi ra đồng Việt Nam để lập báo cáo tài chính”.
Thực tế, Thông tư 22 quy định về hệ thống tài khoản và chế độ báo cáo tài chính áp dụng cho các đơn vị kế toán là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và đã coi hạch toán kế toán vàng tương tự như hạch toán với ngoại tệ, theo đơn vị là “chỉ” vàng 99,99%
Đây cũng là quy định kế thừa từ Quy định hạch toán kế toán đối với vàng tại Quyết định 479/2004/QĐ-NHNN và Thông tư số 10/2014/TT-NHNN.
NHNN khẳng định Thông tư 22 chỉ hướng dẫn về hạch toán kế toán và không điều chỉnh về hoạt động kinh doanh vàng nói chung. Ngoài ra, Thông tư 22 còn sửa đổi, bổ sung nội dung, kết cấu của một số tài khoản để phù hợp với các quy định tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC về chế độ kế toán doanh nghiệp; và phù hợp với thực tiễn hoạt động ngày càng đa dạng của các tổ chức tín dụng.
Theo Ngọc Linh
Người đồng hành