Vân Đồn chờ đặc khu, giá đất thổi vù vù
Giá đất tăng từng ngày, người ta mua bán trao tay những mảnh đất tiền tỉ chóng vánh tựa như mua bán mớ rau.
Cuối năm 2017, thông tin huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh sắp trở thành một trong ba đặc khu kinh tế của cả nước (cùng với Bắc Vân Phong – Khánh Hòa và Phú Quốc – Kiên Giang) khiến giá đất tại đây biến động mạnh. Sau khi tỉnh Quảng Ninh có văn bản chỉ đạo quản lý chặt chẽ đất đai, ngưng tách thửa, giá đất Vân Đồn có chững lại một thời gian nhưng gần đây lại nóng hừng hực.
Quán nước thành “sàn” giao dịch
Quán cà phê N. đối diện UBND huyện Vân Đồn, một nhóm 5-6 người khách quây quần quanh một bàn rì rầm bàn bạc phi vụ mua bán đất đai. Lát sau, cuộc thương lượng đi tới hồi kết, nhóm mua đất ra ô tô ôm vào một bịch tiền lớn đặt lên mặt bàn. Hồ sơ đất được giao liền tay, giấy mua bán ký trong tích tắc.
Từ nhiều tháng nay, quán cà phê này trở thành một địa điểm giao dịch đất đai nhộn nhịp ở Vân Đồn. Nhiều cuộc giao dịch đã hoàn tất tại đây chỉ trong “một nốt nhạc”. Có những cuộc giao dịch vài ba tỉ đồng, cũng có những cuộc giao dịch lên tới hàng chục tỉ đồng.
Trên con đường dẫn vào khu tái định cư xã Hạ Long (rộng hơn 52 ha nằm dọc mé biển, hiện vẫn chỉ là những bãi đất trống mênh mông), một quán lán che bạt tạm bợ cũng trở thành “sàn giao dịch” luôn có vài cò đất túc trực. Chỉ cần có người lạ đi xe vào là họ liền ùa ra chào mời mua bán đất.
Một cuộc giao dịch đất đai tiền tỉ chóng vánh tại quán cà phê trung tâm huyện Vân Đồn. Ảnh: HOÀNG DÂN
M., một cò đất ở địa phương, cho hay đất khu tái định cư đầu năm trước chỉ có chừng 100 triệu đồng/lô 108 m2 nhưng giờ đây đã nhảy vọt lên hơn 3 tỉ đồng/lô. Riêng các mảnh đất giáp biển, nơi dự định sẽ có bến tàu du lịch, sân golf thì giá đất vọt lên tới hơn 60 triệu đồng/m2.
Theo M., những lô đất thổ cư của các hộ dân ở mặt tiền tỉnh lộ 334 đầu năm 2017 giá chỉ chừng vài ba triệu đồng/m2 nhưng thời điểm này, đất mặt đường hướng ra phía biển có giá chừng 30 triệu đồng/m2, còn phía đối diện hướng về phía núi chừng 21-22 triệu đồng/m2.
Cách đó chừng vài cây số, trên con đường đất mấp mô dẫn vào khu vực đang triển khai dự án sân bay Vân Đồn, khu tái định cư xã Đoàn Kết rộng 220 ha dù mới chỉ có một phần nhỏ làm xong hạ tầng nhưng giá đất được đẩy lên tới 60 triệu đồng/m2. Các dự án đô thị như khu Thống Nhất, khu Vương Long ở thị trấn Cái Rồng cũng là nơi giới đầu tư lựa chọn.
Những tỉ phú chân đất
Thực chất thị trường đất đai ở Vân Đồn từ khoảng tháng 7-2017 đã sốt xình xịch sau khi một loạt dự án sân bay, sân golf, casino được khởi công xây dựng. Cả đảo Cái Bầu (đảo chính của Vân Đồn) trở thành một đại công trường cũng là lúc nơi đây trở thành một thị trường mua bán đất đai hết sức nhộn nhịp.
Chạy dọc tỉnh lộ 334, con đường xuyên đảo Cái Bầu, hai bên nhan nhản những tấm biển “bán đất”, “cần sang nhượng đất”. Trung tâm môi giới đất đai mọc lên như nấm sau mưa. Các quán cà phê, thậm chí quán cóc đều trở thành “sàn giao dịch”, câu chuyện chủ yếu quay quanh những mảnh đất. Nhà đầu tư tìm tới, cò đất từ các nơi đổ về, người dân địa phương chuyển sang “phe phẩy” đất đai.
Tấp vào căn nhà cấp 4 gắn biển “bán đất” thuộc xã Vạn Yên ở cuối đảo Cái Bầu, hai người đàn ông đang ăn trưa vội buông chén tiếp chúng tôi. Là nông dân chính hiệu nhưng anh P. chủ nhà nắm vanh vách thông tin đất đai ở khu vực. Anh P. cho hay nhiều hộ ở đây đã tách thửa bán thu về tiền tỉ. Nhà anh cũng định bán khu đất 7.000 m2 đang ở, trong đó 400 m2 đất ở, còn lại là đất vườn.
“Có nhiều người hỏi nhưng tôi không cắt nhỏ ra. Tôi bán cả mảnh 7.000 m2, giá tầm 24 tỉ đồng” – anh P. nói. Anh còn khoe mấy tháng qua đã môi giới cho vài người mua đất. Đa số mua nhanh bán nhanh, có người mới mua vài ngày đã bán lại, kiếm lời vài trăm triệu đồng.
Ở Vân Đồn thời điểm này đi đâu cũng có thể bắt gặp những “tỉ phú chân đất” kiêm dân “phe” như anh P. Tại xã Hạ Long, nhiều hộ dân đã bán được những mảnh đất ở xen lẫn vườn đồi. Nhiều hộ khác cũng đang rục rịch bán những mảnh đất ở xen lẫn vườn tạp hàng ngàn m2 với giá 5-6 triệu đồng/m2. Một “cò” ở xã Hạ Long cho hay cả khu đất rộng hơn 5.000 m2 ở đây vừa được bán kèm luôn 40 ha rừng nằm phía sau với giá trọn gói 36 tỉ đồng.
“Sốt đất là đương nhiên”
Ông Mạc Thành Luân, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, xác nhận tình trạng sốt đất ở đây đã diễn ra từ khoảng tháng 7-2017 đến trước Tết nguyên đán và hiện đang tái diễn. Nguyên nhân sốt đất là do nhu cầu tăng vọt. “Vân Đồn phát triển thì việc sốt đất là đương nhiên” – ông Luân nói.
Ông Luân cho biết huyện Vân Đồn đã thực hiện quản lý chặt chẽ về quy hoạch, ngăn ngừa và xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm trong công tác quản lý đất đai. Huyện đã xử lý kỷ luật một số cán bộ chủ chốt của bốn xã do buông lỏng quản lý. Cuối năm 2017, huyện đã tạm dừng việc tách thửa đối với những thửa đất ở xen lẫn vườn tạp. Biện pháp này đã khiến cho cơn sóng tách thửa ồ ạt bị chững lại. Những nhà đầu tư đất đai tập trung vào đất ở ổn định, đất dự án chứ không còn liều mình mua đất không giấy tờ, đất rừng, đất nông nghiệp, chưa rõ quy hoạch nữa.
“Gần đây khi thông tin chủ trương Vân Đồn sắp trở thành đặc khu, thị trường đất đai lại sôi động. Để ngăn ngừa tình trạng thổi giá, chuyển đổi đất trái pháp luật gây thiệt hại cho Nhà nước, tỉnh đã giao cho huyện và các xã phải chịu trách nhiệm toàn diện trong quản lý quy hoạch, nhất là đất rừng” – ông Luân cho hay.
Thanh tra 3 dự án đô thị ở Vân Đồn
Chiều 18-4, Phòng TN&MT huyện Vân Đồn cho biết liên quan đến việc quản lý chống “thổi” giá đất đang nóng ở đây, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh đã công bố quyết định thanh tra ba dự án phát triển đô thị tại Vân Đồn. Đó là dự án Ocean Park, dự án Mai Quyền (xã Hạ Long) và dự án Hưng Long (thị trấn Cái Rồng).
Theo ĐỖ HOÀNG – NGUYỄN DÂN
Pháp Luật TPHCM