USD tiếp tục lao dốc xuống đáy 6 tuần, euro đạt đỉnh 1,5 tháng
Xu hướng giảm giá của đồng USD vẫn đang tiếp diễn. Trong phiên 19/4 trên thị trường quốc tế, đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tuần so với rổ 6 đồng tiền đối tác chủ chốt do lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ tuần trước sụt giảm mạnh sau khi Fed một lần nữa khẳng định bất cứ sự gia tăng đột biến nào về lạm phát ở Mỹ đều có khả năng chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn.
Tâm lý chuộng tài sản rủi ro được cải thiện đẩy chứng khoán toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục, từ đó gây áp lực giảm giá đồng bạc xanh.
Chỉ số dollar index – so sánh USD với các đồng tiền chủ chốt – đã giảm 0,5% xuống 91,159 trong ngày 19/4, tiếp tục xu hướng giảm đã bắt đầu từ ngày 31/3/2021.
Trong phiên này, đồng bạc xanh đồng loạt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều tuần so với các đồng tiền của nhóm G10, bao gồm: yen Nhật, franc Thụy Sĩ, đô la Australia, đô la New Zealand và đồng euro.
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng nhẹ trong phiên này, lên 1,6082% sau khi tuần trước giảm xuống 1,5280%, thấp xa so với mức 1,7760% cuối tháng 3.
Valentin Marinov, người phụ trách mảng nghiên cứu tiền tệ nhóm G10 của Credit Agricole cho biết: “Những gì đang xảy ra gần như hoàn toàn trái ngược với những điều mà chúng tôi đã thấy vào tháng Ba”.
Cũng trong phiên 19/4, đồng euro tăng lên trên 1,2 USD lần đầu tiên trong vòng 6 tuần, có thời điểm chạm mức 1,2048 USD.
Ngân hàng Trung ương châu Âu thứ Năm tuần này (22/4) sẽ họp về chính sách, theo đó những thông tin ban đầu cho thấy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của EU chia rẽ nội bộ về tốc độ mua trái phiếu, việc phong tỏa kéo dài để chống dịch Covid-19 và khả năng trì hoãn việc thành lập quỹ khôi phục kinh tế khu vực sau đại dịch.
Theo Masafumi Yamamoto, chiến lược gia tiền tệ thuộc Mizuho Securities ở Tokyo, thị trường đang trong giai đoạn mà tỷ giá USD và lợi suất trái phiếu Mỹ có diễn biến cùng chiều.
Đồng USD phiên vừa qua có giá 108,2750 JPY, thấp nhất kể từ ngày 5/3. Thống đốc của Fed, Christopher Waller, trả lời phỏng vấn của CNBC hôm 16/4 nói rằng nền kinh tế Mỹ “đã sẵn sàng để bứt phá” khi chiến dịch tiêm chủng tiếp tục được triển khai và hoạt động đi lại gia tăng, nhưng lạm phát tăng có thể chỉ là tạm thời. Phát ngôn của Thống đốc tương tự như của các quan chức khác của Fed, bao gồm cả Chủ tịch Jerome Powell.
Chris Turner, trưởng bộ phận thị trường toàn cầu đồng thời là trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực của Vương quốc Anh và CEE của ING cho biết: “Với tính thanh khoản vẫn còn dồi dào, chúng ta sẽ nghe nhiều thông tin hơn về giao dịch ngoại hối – giao dịch phát triển mạnh trong môi trường ít biến động”.
Chỉ số tiền tệ MSCI của các thị trường mới nổi kết thúc phiên 19/4 tăng lên mức cao nhất 1 tháng.
Bitcoin phiên 19/4 ổn định trở lại mức 56.265 USD sau khi giảm sau 14% vào ngày 18/4, xuống chỉ 51.541 USD với nguyên nhân bởi sự cố mất điện ở khu vực Tân Cương (Trung Quốc) gây hiện tượng bán tháo. Mặc dù giảm giá gần đây song đồng bitcoin – tiền điện tử phổ biến nhất thế giới – vẫn tăng gấp nhiều lần chỉ trong hơn một năm qua.
Tỷ giá tiền tệ quốc tế
Theo CafeF